Khuyến khích dự án khởi nghiệp hướng tới giải pháp phòng chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành thể lệ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp nhận được sự hưởng ứng của đông đảo HSSV cả nước
Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp nhận được sự hưởng ứng của đông đảo HSSV cả nước

Theo thể lệ cuộc thi, các dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, các giải pháp đột phá trong công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.

Các lĩnh vực của cuộc thi bao gồm: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác.

Cuộc thi gồm 5 vòng thi: Vòng thi cơ sở, Vòng thi bán kết, Vòng đào tạo, Vòng bình chọn, Vòng thi chung kết. Vòng thi chung kết dự kiến sẽ diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10-11/12/2021 trong khuôn khổ hoạt động tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2021.

Tại vòng chung kết, các đội tham dự sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đội tại các gian hàng theo các chủ đề được ban tổ chức bố trí tại Nngày hội khởi nghiệp quốc gia năm 2021.

Các đội dự thi vòng chung kết phải trải qua 2 chặng thi. Chặng một, Ban giám khảo sẽ chấm và đánh giá các dự án trực tiếp tại các gian hàng trưng bày, lựa chọn 12 ý tưởng, dự án của sinh viên và 7 ý tưởng, dự án của học sinh có tính khả thi cao nhất để vào chặng hai.

Chặng hai, các đội dự thi có từ 3-5 phút trình bày bài dự thi và Ban Giám khảo sẽ có 10 phút để đặt câu hỏi. Ban Giám khảo đánh giá kết quả của bài thi trên cơ sở tiêu chí đánh giá được quy định. Khán giả tại Hội trường sẽ tham gia bình chọn trực tiếp cho dự án trên hệ thống của Chương trình được cung cấp tại Hội trường.

Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, Ban tổ chức cuộc thi sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 60 triệu đồng; 2 giải Nhì 40 triệu đồng/giải; 3 giải Ba 20 triệu đồng/giải và 4 giải Khuyến khích 10 triệu đồng/giải.

Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS và THPT, Ban tổ chức cuộc thi sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng; 2 giải Nhì 20 triệu đồng/giải; 3 giải Ba 10 triệu đồng/giải và 3 giải Khuyến khích 5 triệu đồng/giải.

Khi sự cố bất khả kháng xảy ra, Ban Tổ chức có trách nhiệm thông báo tới cơ sở đào tạo, các Sở giáo dục và đào tạo để kịp thời thông báo đến các đội dự thi. Trong trường hợp này, Ban Tổ chức không phải chịu trách nhiệm về việc trì hoãn, chậm hay không thực hiện các hạng mục của chương trình.

Trong trường hợp đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức sẽ quyết định và có thông báo cụ thể đến các đội thi về Vòng chung kết và Lễ trao giải của Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.