Cử nhân 9X khởi nghiệp từ…. ve chai

GD&TĐ - Hơn 8 năm qua, Nguyễn Vạn Tiến thường phối hợp với phường, quận tổ chức các hoạt động đổi rác lấy cây xanh, lấy nông sản an toàn, tổ chức cuộc thi tái chế ở các trường học… lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Nguyễn Vạn Tiến thường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải cho trẻ em. Ảnh: NVCC
Nguyễn Vạn Tiến thường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phân loại rác thải cho trẻ em. Ảnh: NVCC

Bén duyên với... rác

Nguyễn Vạn Tiến từng là Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Khai Nguyên, Quận 5, tổ phó thanh niên và nằm trong Ban chấp hành Đoàn Phường 10, Quận 5 (TPHCM). Anh tốt nghiệp ĐH ngành Quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) năm 2014.

Từ phong trào Đoàn đi gom ve chai bán kiếm tiền ủng hộ học sinh nghèo trong những năm còn là sinh viên, Nguyễn Vạn Tiến đã nhận ra cách thức mà rác thải biến thành tiền. Nhận thấy nếu làm trên quy mô lớn, hoạt động này có thể đem lại nguồn lợi không nhỏ, anh đã thành lập doanh nghiệp “Ve chai chú Hỏa” để khởi nghiệp.

Tiến cho biết, anh có duyên gắn bó với ve chai từ sớm. Ngày còn nhỏ, cha mẹ thường tập cho anh thói quen dành dụm ve chai sau khi đã sử dụng để đi bán kiếm tiền nhét ống heo. Sau này lớn lên, anh lại được tiếp xúc nhiều với các hoạt động Đoàn trong thu gom ve chai để gây quỹ hỗ trợ nhóm người yếu thế tại địa phương.

Khi làm nhân viên ở cửa hàng Lotteria, quan sát quá trình phân loại nguồn ve chai quy trình mua bán ngay tại cửa hàng, Tiến nhận ra nhiều khiếm khuyết trong mô hình kinh doanh thu gom phế liệu và anh nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Tốt nghiệp đại học, rồi lập gia đình, trong lúc bạn bè theo đuổi những công việc ổn định kiểu làm công ăn lương, anh vẫn dành thời gian cho mua bán ve chai. “Lúc đó mọi người khá lo lắng và định hướng cho em một công việc khác (theo suy nghĩ của người lớn là đi làm công ăn lương cho chắc).

Thấy con khởi nghiệp ve chai, gia đình bên vợ cũng suy nghĩ nhiều. Nhưng tôi luôn thích cuộc sống phong ba bão táp ngay từ trẻ và luôn muốn làm việc gì đó để phát triển cộng đồng nên vẫn giữ quan điểm, tiếp tục công việc ve chai và quyết làm đến cùng. Im lặng và làm là sự lựa chọn lúc đó”, Tiến kể.

Lan tỏa thương hiệu

“Ve chai chú Hỏa” được xem là mô hình tiêu biểu cho hoạt động phường trong suốt 5 năm qua. Từ mô hình này, chúng ta có thể nhận thấy những điểm sáng về việc tạo việc làm cho thanh niên, tập hợp và giáo dục thanh niên làm những điều có ích cho xã hội, góp phần thay đổi thói quen phân loại rác cho đoàn viên thanh niên. Những câu chuyện giáo dục bảo vệ môi trường của nhóm thật gần gũi và dễ tác động đến thói quen sinh hoạt của người dân.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang 
(Bí thư Đoàn Phường 10, Quận 5, TPHCM)

Bắt tay khởi nghiệp, ban đầu Tiến gặp rất nhiều khó khăn. Để thay đổi một mô hình kinh doanh truyền thống và thay đổi hẳn câu chuyện phân loại rác ngay thời điểm đó gần như là điều không tưởng…

Thêm nữa, anh không có kinh nghiệm, không có vốn, ngành nghề thì yêu cầu phải có điều kiện (nhân sự - kho bãi - phương tiện...). “Mọi thứ mình đều không có nên phải tính toán, chia kế hoạch của mình ra từng giai đoạn và làm sao khéo léo dựa vào thị trường để dần phát triển”, Tiến chia sẻ.

Mô hình “Ve chai chú Hoả” lần đầu tiên được Tiến giới thiệu đến mọi người là trong hội thi Bí thư Chi đoàn giỏi Quận 5 (năm 2015, 2016). Hiện nhóm của Tiến có 9 bạn. Bình quân mỗi ngày nhóm xử lý hơn 1 tấn phế liệu các loại với những thương hiệu đồng hành như hệ thống Phúc Long, Vinmart, Texas Chicken, 711, Bệnh viện Mắt TPHCM, Bệnh viện Tai Mũi Họng…

Lợi nhuận của nhóm hiện đạt gần 30 triệu đồng/tháng. Con số này thật sự không cao so với các vựa ve chai truyền thống nhưng lại trụ được vững vàng. Nhóm chỉ sử dụng nguồn vốn cá nhân để vận hành (khác với các mô hình khởi nghiệp khác là đưa ra ý tưởng, gọi vốn và nhà tài trợ).

Lợi nhuận có được nhóm để đầu tư lại những hoạt động cộng đồng như những chương trình đổi rác lấy quà. Trong năm nay “Ve chai chú Hỏa” đang đầu tư hệ thu máy thu gom rác tự động.

“Ve chai chú Hỏa là mô hình hoạt động xã hội được định hướng trên tiêu chí phải cân bằng lợi ích giữa kinh tế và trách nhiệm cộng đồng. Mục tiêu chính của mô hình là tập trung thay đổi hành vi, thói quen phân loại rác thải tại nguồn của người dân; Thay đổi mô hình kinh doanh phế liệu truyền thống tại các thành phố lớn để phù hợp với tốc độ phát triển đô thị và hỗ trợ cho nhóm người yếu thế”, Tiến chia sẻ.

Hiện, nhóm đồng hành cùng nhiều đơn vị Nhà nước thực hiện chương trình đổi rác lấy quà, liên kết với các UBND để thu gom định kỳ một số khu vực trên địa bàn nhằm tạo thói quen cho người dân.

Đồng thời nhóm còn tham gia cùng các đội nhóm thiện nguyện ở các trường đại học trao quà cho trẻ em nghèo các tỉnh vùng sâu vùng xa, tham gia vào các chương trình khởi nghiệp trong lĩnh môi trường để đồng hành và tư vấn cho giới trẻ triển khai ý tưởng khởi nghiệp.

Trần Văn Đà (sinh năm 2001) người dân tộc Khmer - Trà Vinh, thành viên nhóm “Ve chai chú Hỏa” cho biết: “Mô hình này hay lắm. Đi mua ve chai mà có đồng phục, phải học quy tắc giao tiếp khách hàng, sử dụng smartphone để quản lý nguồn ve chai và đi đổi ve chai lấy đồ dùng.

Anh trưởng nhóm luôn dặn dò tụi em là cần làm việc bằng cái tâm, thay đổi lại cách xử lý nguồn rác thải mình tự bỏ ra theo hướng văn minh hơn.

Em rất thích lúc trao những món quà ý nghĩa cho những người khó khăn ngoài đường. Nó làm em nhớ đến cuộc sống khó khăn lúc dưới quê. Em tự nhủ mình phải cố gắng hơn, để có điều kiện chăm sóc cho mẹ, để góp phần cho môi trường tốt hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ