Hỗ trợ để khởi nghiệp thành "chuẩn đầu ra" của sinh viên

GD&TĐ - Lần đầu tiên sẽ có Thông tư quy định về nhiệm vụ, hình thức triển khai và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) thực hiện dự án khởi nghiệp
Sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội) thực hiện dự án khởi nghiệp

Chuẩn đầu ra đối với kỹ năng và thái độ

Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Thông tư Quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Việc ban hành Thông tư là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, giải quyết được một số vấn đề tồn tại hạn chế trong việc triển khai công tác này trong các cơ sở giáo dục.

Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm là một trong các hoạt động chính của giáo dục hướng nghiệp. Mục đích hoạt động này giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp; biết được một số thông tin cơ bản về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước và khu vực; về thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động; hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành nghề cũng như khái niệm về việc làm có rất nhiều thay đổi và có sự dịch chuyển nhanh chóng, bên cạnh những công việc có tính ổn định xuất hiện rất nhiều những ngành nghề mũi nhọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Công việc mang tính đổi mới sáng tạo xuất hiện ngày càng nhiều, do đó năng lực thích ứng cần được cung cấp sớm cho học sinh.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc xây dựng và hình thành chuẩn đầu ra đối với học sinh, sinh viên ngày càng được coi trọng. Hiện nay chuẩn đầu ra về kiến thức đã được các nhà trường quan tâm triển khai đánh giá thông qua hệ thống khảo thí kiểm định chất lượng thì vấn đề về chuẩn đầu ra đối với kỹ năng và thái độ cũng đang được thị trường lao động và các doanh nghiệp rất quan tâm.

Tuy nhiên, công tác này đối với học sinh, sinh viên mới chỉ có hình thức đánh giá thông qua các môn học chính khóa về kỹ năng tiếp nhận kiến thức và không có nội dung, chương trình thống nhất, không có chuẩn để đánh giá, đo lường và không có sự tham gia phối hợp đánh giá của doanh nghiệp ngay từ quá trình học. Do đó khi có sự đánh giá của doanh nghiệp đa phần sinh viên đều không đạt, dẫn đến tình trạng sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của công việc khi ra trường. 

Bên cạnh đó hoạt động khởi nghiệp đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp vào việc phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt thông qua việc tạo việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế.

Ngoài sự nổi tiếng gắn liền với các công ty công nghệ, khởi nghiệp luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Nếu triển khai tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục bước đầu sẽ tạo được động lực cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, hình thành ý thức, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp. Về lâu dài khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đã được triển khai hiệu quả
Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên đã được triển khai hiệu quả

Điểm mới của Thông tư

Theo đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Thông tư có nhiều điểm mới, phù hợp với chương trình giáo dục, đào tạo, khung thời gian năm học của các cơ sở giáo dục.

Quy trình thực hiện là một điểm đột phá của Thông tư khi đã quy định đầy đủ quy trình tổ chức các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh đối với các cấp bậc học một cách phù hợp theo từng giai đoạn.

Cụ thể, đối với học sinh tiểu học là những nội dung mang tính nhận biết; đối với học sinh THCS là những nội dung mang tính trải nghiệm; đối với học sinh THPT là những nội dung mang tính thực hành và định hướng về nghề nghiệp; đối với sinh viên đại học là những nội dung tập trung vào phát triển nghề nghiệp.

Thông tư này nhằm mục đích bổ sung cho các hoạt động giáo dục chính khóa trong chương trình, cung cấp cho học sinh các chương trình thực tế, trải nghiệm hướng các em nhận biết sớm các ngành, nghề hiện có trong môi trường xung quanh mình. Từ đó giúp các em tăng cường cảm xúc tích cực đối với bản thân, cảm thông và chia sẻ với các thành viên trong gia đình.

Thông tư quy định rõ một số nhiệm vụ đối với các cấp bậc học, trong đó có những nhiệm vụ mà các nhà trường đã và đang làm nhưng chưa được chuẩn hóa. Đặc biệt là nhiệm vụ phát hiện tài năng, năng khiếu cho học sinh nhằm giúp các em được phát huy năng lực bản thân.

Thông tư quy định một số kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh từ sớm. Bởi hiện nay việc học sinh được tiếp cận với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là nhu cầu cấp thiết của tất cả các ngành, lĩnh vực và của nhiều nước trên thế giới.

Nội dung thông tư này chính là một phần để giáo viên tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo, tích cực nghiên cứu lồng ghép các nội dung thực tế trong các bài giảng bài giảng giúp học sinh đến những mục tiêu cụ thể hơn.

Thông tư quy định cụ thể nội dung, hình thức, biện pháp, nguồn lực triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể các nội dung phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nhằm thúc đẩy sự quan tâm vào cuộc và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của HSSV đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.