Từ cuộc thi khởi nghiệp
Trở về từ cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 (SV-STARTUP 2020), nhóm sinh viên năm cuối Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội vẫn chưa vơi niềm hạnh phúc khi giành giải Nhì với ý tưởng khởi nghiệp “Ván sàn gỗ dừa CCF”.
Nhận thấy dừa là loại cây trồng có diện tích lớn nhưng phế liệu, thứ liệu từ cây dừa đều bị vứt bỏ, Nguyễn Phúc Vinh, 23 tuổi và hai bạn cùng lớp đã biến chúng thành “ván sàn gỗ dừa”. Vinh cho biết: Ưu điểm của ván sàn gỗ dừa là chống chịu nước, có thể sử dụng trong nhà và ngoài trời, chống được các vi sinh vật gây hại gỗ. Gỗ dừa cũng có độ bền cơ học cao, màu sắc, vân thớ đẹp tự nhiên và khả năng chống trương nở tốt.
Bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp từ năm thứ hai đại học, đến nay đã gần hai năm, Vinh nhận xét có hai khó khăn lớn: Thành viên nhóm học Công nghệ chế biến Lâm sản, là khối ngành kỹ thuật, nên kiến thức về kinh doanh còn yếu. Chính vì vậy, nhóm đã “kết nạp” thêm một thành viên thuộc ngành Kinh tế tại Trường ĐH Lâm nghiệp để có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh và đầu tư cho dự án.
Theo Vinh, đây cũng là khó khăn chung của không ít sinh viên khởi nghiệp. Các bạn có thể am hiểu một lĩnh vực cụ thể nhưng khởi nghiệp là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như mô hình kinh doanh, truyền thông, nghiên cứu thị trường, tạo nguồn vốn.
Tiếp đó, tại Trường ĐH Lâm nghiệp, thiết bị phục vụ nghiên cứu còn hạn chế so với nhà máy, doanh nghiệp. Thầy cô cố vấn tại Trường ĐH Lâm nghiệp đã liên hệ với một số doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ thầy và trò trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án. “Ván sàn gỗ dừa CFF” đã được nhiều doanh nghiệp thẩm định, đạt tiêu chuẩn.
Sau hai năm triển khai, dự án khởi nghiệp của nhóm đã gây ấn tượng tại nhiều cuộc thi trong nước. Nhóm giành giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Lâm nghiệp 2020”, giải Nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp SV-STARTUP 2020”, giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp quốc gia 2020”.
Với Vinh, các cuộc thi về khởi nghiệp là cơ hội để rèn luyện sự tự tin, kỹ năng mềm và khả năng thuyết trình trước đám đông. Bên cạnh đó, nhờ được “cọ xát” với nhiều dự án, các thành viên có thể trau dồi kiến thức về kinh doanh, truyền thông hay quản lý nhân sự, những yếu tố cần thiết trong các mô hình khởi nghiệp.
Vinh chia sẻ: Tiến bước trên con đường khởi nghiệp, em và các bạn mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng từ phía gia đình, thầy cô. Sự ủng hộ này không chỉ về mặt tinh thần mà còn được trang bị kiến thức chuyên ngành và kiến thức thực tế. Chúng em cũng hy vọng có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đưa dự án sớm triển khai.
Đến hành động trong thực tế
Dự án khởi nghiệp SHub Classroom gồm 10 thành viên, đều là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Năm 2019, SHub Classroom giành giải thưởng cao nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” với tiền thưởng trị giá 100 triệu đồng.
Với Nguyễn Đăng An, 25 tuổi, người sáng lập ứng dụng học tập SHub Classroom, tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” có thể coi là “bệ phóng” giúp ý tưởng khởi nghiệp của nhóm được trau dồi và phát triển. Tại cuộc thi, An được gặp gỡ nhiều người cùng đam mê, làm quen những doanh nhân thành đạt giúp nhìn nhận lại ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Nhóm sử dụng tiền thưởng từ cuộc thi để thuê máy chủ và nền tảng công nghệ cho ứng dụng. Bài toán truyền thông và kết nối tới người dùng từ đó được giải quyết.
SHub Classroom hoạt động gần giống với ứng dụng xe ôm công nghệ. Gặp bài tập khó, học sinh có thể soạn thảo hoặc chụp hình câu hỏi, hệ thống sẽ tìm người hỗ trợ. Khi đăng nhập vào ứng dụng, học sinh cần liệt kê điểm mạnh, yếu ở các môn học để hệ thống xây dựng dữ liệu kết nối, nhằm tìm ra “gia sư” phù hợp. Giáo viên và học sinh có thể kết nối, tạo lớp học trực tuyến. Ngoài ra, SHub còn cung cấp nền tảng SHub School - hệ thống giúp nhà trường quản lý và theo dõi các hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh.
An cho hay: SHub Classroom có tính năng số hóa công đoạn nhập đề và chấm điểm. Giáo viên tải lên định dạng đề bất kỳ, ứng dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động nhận diện tách câu hỏi thành nhiều mã đề và nhận dạng đáp án, không cần soạn thảo. Sau khi học sinh làm bài, hệ thống tự động chấm điểm và xuất ra bảng điểm chi tiết.
Khó khăn đáng nhớ nhất của SHub Classroom là lần đầu đối phó với dịch Covid-19. Khi các trường chuyển sang dạy trực tuyến, lưu lượng người dùng SHub Classroom tăng lên nhanh chóng và dần mất kiểm soát. Nhóm của An vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành nên chi phí hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ tăng cao, dẫn đến nguồn vốn của công ty không đủ chi trả.
Để giải quyết vấn đề trên, An và các thành viên chủ chốt đã không nhận lương, vay mượn từ nhiều nguồn như gia đình, bạn bè để hỗ trợ mọi người. Đây cũng là bài học đắt giá để sau này khi xảy ra biến cố, các thành viên có phương hướng giải quyết nhanh chóng, phù hợp.
Sau 5 năm triển khai, ứng dụng SHub Classroom đã có mặt trên nền tảng iOS, Android, cho phép người dùng tải về miễn phí. Ứng dụng có khoảng 2,5 triệu người dùng, triển khai chương trình hỗ trợ Covid-19 cho khoảng 100 trường học trên cả nước. SHub Classroom đứng thứ 8 trong danh sách ứng dụng học tập trực tuyến thịnh hành nhất tại Việt Nam theo báo cáo của Google năm 2020.
An bày tỏ: Sinh viên khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm đến kết nối nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, em nhận thấy sinh viên khởi nghiệp đa phần đã có tư duy khác biệt so với đám đông, có năng lực và thành tích nhất định. Những yếu tố này khiến các bạn khó chấp nhận sự thật rằng mình đã sai khi điều hành dự án khởi nghiệp. Sai ở đây có thể là sai trong chiến lược, kế hoạch và nghiêm trọng hơn là trong mô hình kinh doanh. Trước đấy, em cũng “bay bổng” lắm nhưng khi sai và nhận ra cái sai đã biết suy nghĩ thực tế, tìm cách giải quyết hợp lý.
Nỗ lực hỗ trợ không ngừng nghỉ
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Nguyễn Việt Hùng, cựu sinh viên Trường Đại học FPT, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo thiết kế đồ họa và nhiếp ảnh ColorMe nhìn nhận: Kiến thức kinh doanh là bài toán quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của sinh viên. Sinh viên khởi nghiệp nếu muốn đưa doanh nghiệp phát triển cần học hỏi nhiều kiến thức liên quan đến quản trị kinh doanh.
Theo anh Hùng, nếu chỉ giỏi chuyên môn, biết làm sản phẩm thôi chưa đủ. Để khắc phục khó khăn này, các bạn có thể theo học lớp quản trị dài hoặc ngắn hạn, đọc nhiều sách hoặc đi làm cho doanh nghiệp khác. Việc học hỏi từ những người đi trước giúp rút ngắn sai sót trong tương lai.
Giám đốc ColorMe mong muốn các trường đại học sẽ mời những nhân vật khởi nghiệp thành công về chia sẻ kinh nghiệm hoặc tổ chức hội thảo, cuộc thi, buổi trao đổi kiến thức, phương pháp, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp để sinh viên có cơ hội giao lưu, tìm những người chung chí hướng. Ngoài ra, giảng viên giàu kinh nghiệm làm cố vấn cho sinh viên trong giai đoạn đầu khởi nghiệp cũng là một cách nâng cao cơ hội.
Từng tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng, công tác tại Ban Khoa học công nghệ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thấy: Hoạt động liên quan đến khởi nghiệp chưa trở thành động lực phải có của đa số sinh viên. Nhiều sinh viên làm dự án khởi nghiệp để tham dự các cuộc thi nhưng không tiếp tục đầu tư sau khi đã giành giải. Ngoài ra, vì thiếu kinh phí để biến ý tưởng khởi nghiệp thành sản phẩm có thể thương mại hóa nên sinh viên phải bỏ dở giấc mơ khởi nghiệp.
Theo TS Hằng, trong vai trò hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, các trường có thể đào tạo nâng cao kiến thức khởi nghiệp, có chính sách dành cho đội nhóm tham gia khởi nghiệp. Nhà trường có thể là “cầu nối” kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên để tổ chức các sự kiện, trao giải thưởng, hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên...