PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục vừa "gỡ rối" cho một học sinh lớp 11 khi tình yêu học trò vừa chớm nở.
Bạn học sinh này cho biết, có quen một anh học lớp 12 và có chút tình cảm trên mức bạn bè với anh ấy. Bạn ấy bị bố mẹ phát hiện nên đã cấm tiếp xúc với bạn trai kia và hàng ngày bố mẹ thay phiên nhau để đưa đón đi học khiến bạn gái rất khó xử.
PGS Trần Thị Minh Hằng nhắn gửi: " Tình cảm với một anh lớp 12 là tình cảm tự nhiên. Nhưng đây mới chỉ dừng lại ở những xúc cảm ban đầu.
Cháu đang học lớp 11 vì vậy cô tin rằng, cháu có bản lĩnh và nhìn nhận được tình cảm của bản thân để từ đó có những định hướng đúng đắn, không để tình cảm đi quá sâu, ảnh hưởng đến hoạt động học tập và nhân cách của bản thân".
Với bố mẹ của học sinh này, PGS Trần Thị Minh Hằng, đây là những người có trách nhiệm lo lắng cho con cái và rất đáng trân. Việc còn lại là bạn cần tạo được niềm tin của bố mẹ đối với mình bằng cách: Bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ này, đồng thời phải cố gắng trong học tập để có kết quả, tạo niềm tin với bố mẹ.
Ngoài ra, bạn cũng nên nói rõ với bố mẹ hãy tin tưởng và tôn trọng quyền riêng tư của con cái và không nên giám sát quá chặt chẽ, làm cho con bị tổn thương.
Với cách xử lý như vậy, cô tin là bố mẹ sẽ hiểu và thay đổi cách ứng xử với con theo chiều hướng tích cực" - PGS Trần Thị Minh Hằng nói.
PGS Trần Thị Minh Hằng |
Trước một số tình huống trêu đùa thái quá của học sinh, PGS Trần Thị Minh Hằng khuyên nhủ: Trong quan hệ với bạn bè, chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt không thể lấy những khuyết điểm của người khác để chế giễu, xúc phạm bạn.
Đây cũng là biểu hiện của bạo lực tinh thần dạng thấp (gây hấn), nếu không được bạn bè can thiệp và nhà tư vấn tâm lý định hướng thì sẽ xảy ra bạo lực khi bạn bị chế giễu không giữ được bình tĩnh.
"Trong cuộc sống, quan hệ bạn bè một trong những nguyên tắc là phải tôn trọng lẫn nhau, đặt mình vào vị trí người khác thì mới giữ được bầu không khí vui vẻ, đoàn kết và hợp tác" - PGS Trần Thị Minh Hằng nhắc lại.
PGS Trần Thị Minh Hằng khuyến cáo, giáo viên chủ nhiệm lớp là những người gần gũi với các em. Vì thế, khi phát hiện nhóm học sinh tẩy chay lẫn nhau, giáo viên nên gặp riêng từng nhóm tìm hiểu tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của từng nhóm; sau đó giải thích, giảng hòa cho các em. Đồng thời tổ chức các hoạt động để cả hai nhóm có điều kiện tham gia, xóa đi khoảng cách, cách biệt giữa các nhóm học sinh.
Liên quan đến công tác giáo viên chủ nhiệm, cô Trần Thị Quỳnh Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trao đổi: Giáo viên chủ nhiệm cũng cần chủ động trong công tác trao đổi, chia sẻ với giáo viên bộ môn về những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, dấu hiệu tâm lý thay đổi. Việc hiểu rõ hoàn cảnh học sinh sẽ giúp các thầy cô phối hợp hiệu quả với cha mẹ học sinh.
Đối với học sinh có khó khăn về vấn đề tâm lý, nhà trường cần trao đổi kịp thời với cha mẹ học sinh, yêu cầu cùng phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ học sinh.
Ngoài ra, nhà trường cần chủ động trong việc tuyên truyền công tác tư vấn tâm lý. Trong các buổi họp cha mẹ học sinh, cần đề cập đến nội dung này để phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của tâm lý lứa tuổi.
Theo cô Trần Thị Quỳnh Hoa, thông thường, học sinh thường tìm đến thầy cô chủ nhiệm hoặc giáo viên mà mình yêu quý để tâm sự. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường THPT ở Hà Nội đã có phòng tham vấn tâm lý học đường do giáo viên chuyên trách được đào tạo và tập huấn. Vì vậy, học sinh cũng coi đó là địa chỉ tin cậy để tâm sự.
Điều khác biệt, các thầy cô làm công tác tham vấn tâm lý không phải là giáo viên dạy trên lớp nên các em dễ chia sẻ hơn. Tùy từng trường hợp, mỗi em có một câu chuyện riêng để tâm sự như: chuyện gia đình, quan hệ bạn bè tình yêu tuổi học trò, khó khăn trong việc học, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, ….