Tư vấn học đường, vấn đề cấp bách

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý (Học viện Quản lý Giáo dục), tư vấn tâm lý học đường là vấn đề cấp bách. Rất nhiều vụ việc xảy ra trong và ngoài nhà trường liên quan trực tiếp đến học sinh là do các em chưa có kỹ năng sống, chưa được tư vấn tâm lý.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Nhu cầu bức thiết

PGS Trần Thị Minh Hằng dẫn giải, ở các nước phát triển, hoạt động tư vấn tâm lý trường học rất được quan tâm. Ví dụ, tại Singapore, các phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả đã giúp nhà trường phát hiện những biểu hiện tâm lý không bình thường ở học sinh; từ đó đưa ra lời khuyên hữu ích, giúp các nhà giáo dục có các phương pháp để hình thành và phát triển nhân cách trẻ một cách đúng đắn.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện tâm lý học đường. Xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục có những quan tâm đặc biệt đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường nhưng thực tế công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 Để phát triển công tác tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông cần tập trung vào một số giải pháp sau: Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng các nhà tư vấn tâm lý trường học. Thứ hai, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ cho những người làm công tác tư vấn trường học. Thứ ba, trước mắt trong trường học giáo viên chủ nhiệm lớp là những người gắn bó, thấu hiểu học sinh. Vì vậy, cần tập trung nâng cao năng lực tư vấn cho đội ngũ này. Thứ tư, trách nhiệm của những cơ sở nghiên cứu, đào tạo và Hội Tâm lý học phải bồi dưỡng cho những người làm công tác tư vấn trường học, đạo đức nghề tư vấn để hoạt động tư vấn tâm lý học đường có hiệu quả. 
PGS Trần Thị Minh Hằng đề xuất

Những khó khăn trong công tác này là: Năng lực tư vấn cho học sinh của các nhà tư vấn còn hạn chế, công tác tư vấn chủ yếu là các giáo viên kiêm nhiệm mà giáo viên năng lực dạy học là chủ yếu, kỹ năng của nhà tư vấn còn hạn chế. Đồng thời, chế độ đãi ngộ cho những người kiêm nhiệm công tác này chưa thỏa đáng (mặc dù Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông).

Vì vậy, trong thời gian tới, hoạt động tư vấn tâm lý học đường cần có sự đầu tư, tham gia của nhiều lực lượng hơn nữa, đặc biệt là trang bị tri thức và kỹ năng cho những người tham gia tư vấn tâm lý trường học.

Từ thực tế trên, PGS Trần Thị Minh Hằng cho rằng, thành lập phòng tâm lý học đường là nhu cầu cấp thiết trong các trường học và đối với xã hội hiện nay. Với sự phát triển của trẻ, với bối cảnh xã hội phức tạp trong mọi hoạt động, học sinh cần có sự trợ giúp tâm lý để giải quyết những khó khăn của các em trong đời sống, học tập và trong chính sự phát triển tâm, sinh lý của mình.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng
 PGS.TS Trần Thị Minh Hằng

Nhận diện bạo lực học đường

PGS Trần Thị Minh Hằng là người có nhiều nghiên cứu về bạo lực học đường ở các lứa tuổi từ mầm non cho đến THPT. Tháng 9/2019, Khoa Giáo dục của Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: Bạo lực học đường, nguyên nhân và giải pháp. Nghiên cứu của PGS đã chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp; đặc biệt số vụ bạo lực của học sinh nữ ngày càng tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em.

Một trong các giải pháp để ngặn chặn tình trạng này là, tăng cường hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Qua đó, giúp các em bước đầu giải quyết những mâu thuẫn, phòng tránh nảy sinh các xung đột.

Theo PGS Trần Thị Minh Hằng, bạo lực học đường có thể biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Gây hấn, đánh nhau, miệt thị, hành hung. Tất cả các biểu hiện này đều làm tổn thương về thể chất và tinh thần của các em và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động học tập và phát triển nhân cách. Vì vậy, các nhà giáo dục cần có kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và giải quyết các vụ bạo lực học đường ở học sinh.

PGS Trần Thị Minh Hằng cũng khuyến cáo, phụ huynh có thể nhận biết bằng các dấu hiệu bất thường hàng ngày ở con như: Thứ nhất, con tỏ ra rụt rè, sợ sệt trong quan hệ giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với người lạ. Thứ hai, con rất hay nói về một bạn với thái độ bực tức, ghét bỏ. Thứ ba, lực học của con tự nhiên giảm sút, không tập trung chú ý và không thích đi học.

Có thể ở con đồng thời diễn ra các biểu hiện như trên nhưng cũng có thể diễn ra một trong những biểu hiện trên. Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên có những cảm nhận nhanh nhạy, tránh tình trạng các biểu hiện này diễn ra lâu làm con bạn đã thay đổi hẳn trạng thái tâm lý thì việc can thiệp của các nhà tư vấn tâm lý sẽ khó khăn hơn.

Đối với trường hợp những bạn nhút nhát, phụ huynh cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho con, để thông qua đó hình thành kỹ năng thể hiện bản thân trong cuộc sống. Việc giáo dục này phải là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, giữa bạn và cô giáo. Việc trao đổi với giáo viên là chuyện bình thường, để các thầy cô có thể tư vấn cho bạn, giải tỏa cho bạn những lo lắng về tính nhút nhát của con.

“Giáo viên chủ nhiệm lớp là những người gần gũi nhất với học sinh. Khi phát hiện nhóm học sinh tẩy chay lẫn nhau, giáo viên nên gặp riêng từng nhóm tìm hiểu tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của từng nhóm; sau đó, giải thích, giảng hòa cho các em. Đồng thời tổ chức các hoạt động để cả hai nhóm có điều kiện tham gia, xóa đi khoảng cách, cách biệt giữa các nhóm học sinh với nhau”.
                                                                   PGS Trần Thị Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.