Cha mẹ đừng châm “ngòi nổ” ngay trong nhà mình

GD&TĐ - Các chuyên gia tâm lý nhận định, ở lứa tuổi dậy thì, trẻ dễ bị ảnh hưởng và tác động tâm lý nhiều nhất. Trẻ rất dễ rơi vào trạng thái quá khích hoặc cực đoan quá mức nếu không được người lớn để ý, quan tâm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Mẹ còn nói nữa là con chết ngay cho mẹ coi”

Chị Thu Huyền (quận 5, TPHCM) vẫn còn bàng hoàng khi kể lại câu chuyện của con gái mình. Chị cho biết, năm con học lớp 9, vì lo lắng cho kỳ thi vào lớp 10 mà chị hay nhắc con phải học bài, ôn luyện thật kỹ. Thêm vào đó, thấy con có vẻ lơ là không chỉ việc học mà cả những hoạt động cá nhân như tắm rửa, dọn phòng riêng nên chị càng nhắc nhở nhiều hơn. Đến một ngày, sau khi chị nhắc con đi tắm rồi học bài thì đột nhiên cô bé hét lớn vào mặt mẹ: “Mẹ nói hoài nói hoài vậy. Mẹ còn nói nữa là con đi chết ngay cho mẹ coi. Sống gì mà cực quá trời”.

Thấy con như vậy, chị hoảng sợ phải tìm đến chuyên gia tâm lý để tư vấn cách nói chuyện, giải tỏa bức xúc cho con.

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, một trong những vấn đề tâm lý hàng đầu mà trẻ dậy thì gặp phải chính là quan hệ bố mẹ và con cái. Nhiều năm làm cố vấn cho đường dây tư vấn, can thiệp và hỗ trợ trẻ em Việt Nam, bà nhận thấy nhiều bậc cha mẹ nói rằng, khi con họ bước vào tuổi vị thành niên, trong nhà họ như có “quả bom nổ chậm”. Chỉ cần một vài giây nói năng không cẩn trọng, đứa con lập tức trở nên khó bảo, khó chịu và không nghe lời. Mặc dù biết có con trong tuổi dậy thì là một vấn đề lớn nhưng không phải bậc làm cha làm mẹ nào cũng biết cách giải quyết và có lối ứng xử thích hợp.

Thực tế số liệu từ đường dây tư vấn cho trẻ em cho thấy, có không ít em bị khủng hoảng, chán nản, có hành vi hủy hoại bản thân khi bố mẹ thường xuyên chửi mắng và chỉ trích mình. Một số em học hành sa sút, lao vào yêu đương khi thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột, cãi vã. Thậm chí có những nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa việc trẻ vị thành niên phạm tội có liên quan đến những lời đả kích, chửi mắng từ bố mẹ của các em.

Ở độ tuổi 12 - 16, các em chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, có khả năng nhận thức nhưng chưa thật sự chín chắn và có thể sẽ sai lệch nếu không được định hướng. Đa số các em còn lệ thuộc vào cha mẹ về cả kinh tế lẫn tinh thần. Tuy nhiệm vụ chính là học tập, nhưng các em thường phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ nhiều phía: Gia đình, nhà trường, xã hội. Ở nhà là những yêu cầu, kỳ vọng của cha mẹ; ở trường là áp lực điểm số; ngoài xã hội là những cám dỗ của các trò chơi, các trang thông tin mạng…

Đối diện với những vấn đề phức tạp đó, rất nhiều em sẽ không biết nhìn nhận, giải quyết vấn đề như thế nào cho hợp lý, rất cần đến sự sẻ chia, hiểu biết từ người lớn nhưng thực tế cho thấy, thay vì lời khuyên, cha mẹ thường có những câu nói mang tính mệnh lệnh, áp đặt và so sánh. Điều đó khiến trẻ dần trở nên xa cách, đề phòng người lớn.

Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Hồng Sơn thuộc Trung tâm Tư vấn học đường tại TPHCM, trẻ vị thành niên có thể bị mất thăng bằng bởi chính những điều tưởng như vặt vãnh ấy nếu không được những người xung quanh quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ kịp thời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Những con số đáng báo động

Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông. Theo thống kê gần đây của Bộ Y tế về y tế học đường, số học sinh có ý định tự tử ngày càng cao, cứ 5 học sinh lại có 1 em có ý định tự tử.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, những nghiên cứu của ông và đồng nghiệp trong thời gian qua về hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS, công trình nghiên cứu cấp Bộ 2017 - 2018 cho thấy, có đến trên dưới 1/3 học sinh thừa nhận mình từng có hành vi tự hủy hoại bản thân. Trong số đó có gần 5% học sinh có biểu hiện từng có hành vi tự tử trong suy nghĩ, hành vi tự tử bất thành và hành vi tự tử nhưng được cứu sống... Đáng tiếc vẫn có những trường hợp đã không được kiểm soát nên nỗi đau sẽ mãi ở lại.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Hiệp hội Nghiên cứu tâm lý học đường quốc tế (IISP) chia sẻ, khi tham vấn cho nhiều em bị lo âu, trầm cảm, rối nhiễu tâm lý, khó khăn về học tập, mâu thuẫn với cha mẹ, thầy cô... nhiều em đã nói: “Lời nói ba mẹ như dao cứa vào da thịt con. Ba đánh con bằng roi da, con thấy con thật vô dụng, chẳng làm được gì...”. Khi biết mình là nguyên nhân đưa con vào trầm cảm, phải dùng thuốc để điều trị tâm lý, nhiều cha mẹ đã khóc vì hối hận. Thật ra, cha mẹ trong đời sống của riêng mình cũng mang nhiều căng thẳng, khổ đau không hóa giải được và vì thế mà nhiều khi vô tình gây ra những đau khổ cho con cái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các chuyên gia tâm lý cho biết, những câu nói mà tưởng chừng như thuận miệng của người lớn như “mày chỉ là đứa vô dụng”, “sao không bằng con nhà người ta”… lại từng chút, từng chút phá hủy đi cuộc sống từng ngày của con trẻ. Khi bị cha mẹ đả kích, những đứa trẻ sẽ dễ dàng sinh ra mặc cảm, tự ti, hơn nữa sẽ rơi vào trạng thái hoài nghi, chối bỏ bản thân, và mất kiểm soát các cảm xúc. Hoặc nghiêm trọng hơn là rối loạn tâm lý, có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, dễ dẫn đến những hành vi cực đoan. Có rất nhiều thanh thiếu niên, chỉ vì cha mẹ thường xuyên mắng chửi mà đi vào đường cùng, tự hủy hoại bản thân.

Trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn cả khi bị bạo hành tinh thần hoặc vô tình bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực tinh thần của bố mẹ chúng, gây ra những tổn thương tâm lý rất trầm trọng. Có nhiều em vì quá quen với cảnh cha mẹ cãi vã, xúc phạm nhau, trở nên lầm lì, ít nói, ít chia sẻ, không vâng lời, bỏ nhà đi hoặc suy nghĩ tiêu cực dẫn đến các hành vi tiêu cực.

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, làm việc tại Mỹ, cho biết, một số ghi nhận cho thấy ly dị không ảnh hưởng nặng lên con cái bằng những vụ cãi cọ trước, trong lúc và sau khi ly dị. Chính những cuộc chiến không hồi kết này là thủ phạm gây rối loạn sức khỏe tâm thần của trẻ. Những trẻ có nền tảng sức khỏe tâm thần yếu ớt sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn cả. Trẻ nữ dễ bị ảnh hưởng hơn trẻ nam.

Trẻ em thường cho rằng mình là nguyên nhân gây tranh cãi và tan vỡ của cha mẹ, chứ không phải là nạn nhân; các em sẽ bị ám ảnh và rối loạn tâm lý kéo dài nhiều năm sau đó. Cha mẹ tranh cãi ồn ào hay chiến tranh lạnh đều ảnh hưởng đến trẻ con như nhau. Trẻ con có gia đình thiếu tình yêu và tiếng cười thường có rối loạn hành vi, học hành kém, sử dụng chất gây nghiện, tăng nguy cơ trầm cảm và tự sát.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi nguồn, dễ nhận ra phần lớn các vụ tự tử của học sinh đều rơi vào độ tuổi dậy thì, giai đoạn bất ổn khủng hoảng về tâm lý. Ở độ tuổi này, các em chưa có sức đề kháng để chống chọi, đối phó, xử lý với tất cả các xung đột, mâu thuẫn, cũng như áp lực từ bên ngoài như: Áp lực học tập, gặp vấn đề trong mối quan hệ bạn bè (bị bạn bè hiểu lầm…), chứng kiến bố mẹ không hạnh phúc… nên khi gặp chuyện trắc trở dễ suy sụp và quyết định tự tử.

Đáng báo động, có hiện tượng học sinh tự tử như một hành vi “trả thù” để thầy cô, gia đình cảm thấy phải hối tiếc, hối hận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.