Không tùy tiện!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghị quyết 30 đã tạo nền tảng pháp lý tại thời điểm cấp bách khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là sáng kiến chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp. Là quyết định đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Nghị quyết 30 đã tạo nền tảng pháp lý tại thời điểm cấp bách khi đại dịch Covid-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp.

Và đến ngày 31/12/2022, theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vừa qua, tổng nguồn lực đã huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là hơn 236.452 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là hơn 189.404 tỉ đồng; huy động từ các nguồn viện trợ, tài trợ là 47.048 tỉ đồng.

Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực cơ bản được thực hiện đúng quy trình, thủ tục cũng như theo các chủ trương, chính sách đã ban hành, góp phần đáp ứng yêu cầu kịp thời trong phòng, chống dịch và mang lại hiệu quả tích cực.

Thế nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn trong phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Là những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ. Chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp còn chậm được chi trả.

Việc tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong việc xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán...

Như vậy có thể thấy, bên cạnh việc “trao” cơ chế, Quốc hội đã chủ động thực hiện chức năng giám sát để làm rõ thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém cũng như nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Bởi như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì Nghị quyết 30 cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách nhưng không phải áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.

Đặc biệt, cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ