Khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 15/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp lần thứ 21.

Toàn cảnh phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương sẽ luân phiên điều hành phiên họp.

Cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo dự kiến, chương trình phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)sẽ tiến hành trong 4 ngày, từ 15/3 đến ngày 20/3. Phiên họp này nhằm chuẩn bị các nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về những nội dung lớn của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, gồm 7 dự án luật và một dự án đầu tư.

Báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã kịp thời phối hợp với cơ quan soạn thảo để thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH. Đồng thời tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng liên quan về dự thảo Luật; chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan rà soát và chỉnh lý, hoàn thiện từng điều khoản của dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất: bỏ 2 Điều; bổ sung 5 Điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 7 nội dung của các Luật có liên quan; bổ sung thêm Phụ lục số 2 để làm rõ Danh mục các hàng hóa, dịch vụ đưa ra khỏi phạm vi Nhà nước định giá; từng điều khoản đã được hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp…

Về nội dung liên quan đến bình ổn giá, ông Nguyễn Phú Cường -Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Về định giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền, cơ sở pháp lý của văn bản định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm khả thi, minh bạch, bảo vệ những người làm công tác định giá.

Về thẩm định giá, Thường trực Ủy ban TCNS đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá; chỉnh lý quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức liên quan trong đào tạo, thi, cấp, quản lý, thu hồi chứng chỉ và thẻ thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề thẩm định giá, bảo đảm cơ sở pháp lý, tính bao quát.

Về Quỹ bình ổn giá, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, cần giữ quy định tại về Quỹ bình ổn giá trong Luật giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như Dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động...

Bày tỏ nhất trí về nhiều nội dung trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thẩm định, quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, hiện nay có 2 phương án. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ tán thành với việc giữ quy định như tại Luật hiện hành vì giá là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến sự ổn định của thị trường, quyền lợi của người dân.

Về Quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần quy định theo phương án 1, giữ các quy định đang sẵn có tại luật hiện hành. Cụ thể, Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá.

Chính phủ quy định về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, dự thảo luật đang quy định đưa ra khỏi danh mục một số danh mục, dịch vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có sự rà soát kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bộ, ngành quản lý các mặt hàng này. Chẳng hạn, cần cân nhắc trong quy định về Nhà nước định giá nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, để đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở cũng đang được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện đúng những chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, cần đầu tư, nghiên cứu, làm rõ thêm cơ chế thỏa thuận thù lao cho đơn vị thực hiện dịch vụ thẩm định giá.

Đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cơ bản tán thành với Báo cáo của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đồng thời bày tỏ đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hoá thuộc diện bình ổn giá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tức là giữ theo quy định hiện hành vì đang thực hiện ổn định. Về phương án 2, bà Nguyễn Thuý Anh cho rằng không nên uỷ quyền toàn bộ cho Chính phủ như phương án 2 mà nên theo cách thức đã làm như với Nghị quyết 30 và các vấn đề phòng, chống Covid -19, phải có ý kiến của UBTVQH trước khi ban hành và khẳng định thẩm quyền quyết định của Quốc hội và có thể uỷ quyền cho UBTVQH.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên UBTVQH; tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để xem xét.

Đi vào một số nội dung lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc định giá, cần tách làm 2 nội dung: định giá để hình thành tài sản công và định giá để thị trường xã hội tham khảo. Theo đó, cần có sự phân biệt minh bạch hai nội dung định giá này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo luật sẽ quy định theo hướng Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn phương pháp định giá chung, đối với các giá chuyên ngành, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quản lý, đối với các mặt hàng chuyên ngành thì do cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì. Về trách nhiệm kê khai và chịu trách nhiệm về thông tin kê khai, Bộ Tài chính sẽ báo cáo lại Chính phủ và làm rõ hơn về nội dung này.

Về thù lao công chứng, thù lao đấu giá, đây là ngành kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định trong luật, đánh giá tác động đầy đủ để đảm bảo lợi ích của người dân và các bên liên quan. Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, đảm bảo quỹ hoạt động một cách bình ổn nhất; đảm bảo vai trò quản lý phải nộp vào đầy đủ kịp thời. Nghị định 95 sửa đổi sẽ đề xuất Bộ Công thương quản lý một cách chặt chẽ hơn…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật Giá (sửa đổi); đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến góp ý tại phiên họp, đặc biệt là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân trách phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài xin ý kiến toàn diện về dự thảo luật cần nêu rõ các nội dung lớn, nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến, quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về các nội dung này. Đồng thời, phải báo cáo rõ việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng chính sách lớn khi đặt ra việc sửa đổi luật...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với hai nội dung còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đánh giá kỹ có cần thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, bình ổn giá so với luật hiện hành hay không? Về quỹ bình ổn giá, có thể giao cho Chính phủ quyết định thành lập vì đây là một giải pháp để bình ổn giá...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương đảm bảo khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị tương thích với điều chỉnh của luật, đảm bảo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá, tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền quyết định giá, danh mục các trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, cơ sở căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của Nhà nước, trách nhiệm và vai trò của các tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá, công bố giá, tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai giá, niêm yết giá.... để đảm bảo tính khả thi, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bình ổn giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ