Một màn biểu tình hiếm có và đầy kịch tính đã diễn ra tại vùng nông thôn nước Anh: ông Ken Turner, 98 tuổi, cựu binh Thế chiến II, đã lái một chiếc xe tăng Sherman phục chế cán nát một chiếc Tesla Model 3.
Hành động tượng trưng trên nhằm lên án tỉ phú Elon Musk vì những quan điểm chính trị gây tranh cãi tại châu Âu.
Cuộc biểu tình do nhóm hoạt động Led By Donkeys tổ chức, trong đó chiếc Tesla bị nghiền nát dưới bánh xích của xe tăng – biểu tượng từng góp phần đánh bại phát xít trong Thế chiến II.
“Chúng ta từng nghiền nát chủ nghĩa phát xít, và sẽ làm lại một lần nữa,” ông Turner tuyên bố trước khi điều khiển chiếc Sherman cán qua chiếc xe điện đắt tiền.
Với ông, Elon Musk không còn chỉ là một doanh nhân công nghệ mà đang trở thành biểu tượng của một xu hướng chính trị nguy hiểm đe dọa nền dân chủ châu Âu.
Thông điệp chính trị không thể rõ ràng hơn
Theo nhóm vận động chính trị Anh Led By Donkeys, hành động này nhằm phản đối việc Elon Musk ngày càng công khai ủng hộ các đảng cực hữu, trong đó nổi bật là sự tương tác của ông với đảng AfD (Sự lựa chọn vì nước Đức) tại Đức – một đảng mang tư tưởng dân túy và bài ngoại.
Ông Turner, người từng chiến đấu vì tự do ở châu Âu vào những năm 1940, cho biết Musk hiện đang sử dụng ảnh hưởng và tài sản của mình để cổ vũ cho một xu hướng chính trị mà ông và thế hệ của mình đã từng liều mạng để chống lại.
“Elon Musk là người giàu nhất thế giới, và ông ta đang dùng quyền lực đó để tiếp tay cho phe cực hữu ở châu Âu. Tiền của ông ta đến từ những chiếc Tesla,” ông Turner nói.
Elon Musk từng bị phản đối tại châu Âu
Năm 2024, nhóm Led By Donkeys từng hợp tác với nhóm nghệ thuật chính trị Đức Centre for Political Beauty để chiếu hình ảnh Elon Musk lên nhà máy Tesla ở Berlin, với tư thế giống chào phát xít và dòng chữ "Heil Tesla". Dù Musk chỉ trích hành động này là “ngớ ngẩn”, làn sóng phản đối ông tại châu Âu vẫn lan rộng.
Doanh số Tesla tại châu Âu quý I/2025 đã giảm mạnh, nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân một phần đến từ sự tổn hại hình ảnh thương hiệu. Elon Musk ngày càng bị nhìn nhận không chỉ là một nhà sáng chế mà là một nhân vật chính trị gây chia rẽ.