Giám sát thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội:

Giám sát thực hiện NQ số 88, NQ số 51 của Quốc hội: Cần sự nhìn nhận khách quan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của đợt giám sát thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đợt giám sát thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng thời khẳng định quyết tâm cao trong triển khai Chương trình GDPT 2018.

Báo cáo khách quan nhất

Sáng 7/2, trong cuộc họp trực tuyến với các sở GD&ĐT về giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Giám sát thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT là việc lớn, rất hệ trọng mà toàn ngành đang làm cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội.

“Cần nhận thức tầm quan trọng của các báo cáo, giải trình, trao đổi, đón đoàn giám sát và kết luận sẽ được đưa ra” - Bộ trưởng lưu ý và cho rằng: Đánh giá khách quan, không né tránh những gì còn khó khăn, vướng mắc, nhưng cũng không biến việc nhỏ thành lớn. Đây là việc cần làm để thông qua đó, Quốc hội, người dân, cử tri, hiểu được đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về những gì toàn ngành Giáo dục làm.

Giải trình, báo cáo, thực hiện phục vụ giám sát nếu làm tốt sẽ giúp xã hội hiểu hơn về công việc của ngành. Ngược lại, bao công sức đã làm, xã hội không hiểu đến, không hiểu đủ, có thể dẫn đến cái nhìn sai lệch, thậm chí ảnh hưởng đến những chính sách với ngành trong thời gian sắp tới.

Với tư cách thành viên đoàn giám sát, hay dự các buổi giám sát tại địa phương, Bộ trưởng đều nhấn mạnh đến báo cáo giám sát và đưa ra những lưu ý với mong muốn có được báo cáo khách quan, đầy đủ nhất. Dự buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh chiều 16/2, Bộ trưởng mong muốn Bắc Kạn có báo cáo giám sát khách quan để thấy bức tranh đầy đủ từ thực tế địa phương, bởi Chương trình GDPT 2018 đang triển khai không phải để đạt thành tích mà hướng đến những chỉ số phát triển của giáo dục.

Bộ trưởng đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá cụ thể những việc làm được, điều còn vướng mắc; bổ sung một phần đánh giá chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, sự thấu hiểu về chương trình phổ thông; tăng cường đánh giá về chuyên môn của chương trình, đổi mới phương pháp dạy - học, tiếp nhận của học sinh… Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, báo cáo cần dự báo, nhìn nhận khách quan được tác động vĩ mô của chương trình vào giáo dục của địa phương.

Chiều 8/2, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại quận Đống Đa, Bộ trưởng cũng yêu cầu báo cáo thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa cần nêu thêm nội dung về nhận thức, tư tưởng, tinh thần, sự vào cuộc của các bên liên quan; đặc biệt là sự thấu hiểu về chương trình của đội ngũ giáo viên, lãnh đạo nhà trường. Cùng với đó, cần làm rõ hơn trong báo cáo nhóm vấn đề chuyên môn.

Nêu kỹ và phân tích thêm: Dù chúng ta đang trên đường đi, chưa thể đánh giá được kết quả, đặc biệt với đặc thù của giáo dục, tuy nhiên vẫn có thể đánh giá từng chặng, từng bộ phận. Đặc biệt phải đánh giá được “phần lõi” là lực lượng nhà giáo, xem đội ngũ vào cuộc đến đâu; họ có thấy mới không, mới được đến đâu, đã thực hiện được phần nào, có được hỗ trợ không, khí thế của nhà giáo ra sao, triển khai thế nào? Nêu được mức độ đổi mới của nhà giáo, mức độ về kỹ năng, phương pháp; cùng với đó là việc quản trị nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường... những điều này có làm tốt không, còn vướng mắc gì…?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh chiều 16/2. Ảnh: Thế Đại

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh chiều 16/2. Ảnh: Thế Đại

Chỉ có tiến, không bàn lùi

Triển khai Chương trình GDPT 2018 là quyết tâm đổi mới theo Nghị quyết 29 của Trung ương - Nghị quyết của Quốc hội, thể hiện ý chí của cả nước. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Chính phủ ban hành chương trình hành động, thành phố đã ban hành kế hoạch, quận ban hành các văn bản chỉ đạo…

“Chúng ta chỉ có tiến, không bàn lùi”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại quận Đống Đa và cho biết: Chương trình GDPT 2018 có một quá trình lấy ý kiến từ nhiều phía, khảo sát xã hội rất lớn. Đây là bản đại thiết kế, kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục. Khi tiến hành vẫn phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển hết cỡ, chú ý được số đông và hỗ trợ được nhóm khó khăn.

Trước đó, phát biểu trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, Bộ trưởng cũng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng, phạm vi tác động cũng như sự kỳ vọng của việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo đó, thực hiện Chương trình GDPT 2018 là một trong những trọng tâm nhằm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Công việc đổi mới có phạm vi tác động rộng, đối tượng tác động lớn, tốc độ triển khai nhanh, toàn xã hội đặt kỳ vọng sẽ nhìn thấy rất nhiều thành quả của đổi mới.

Nhìn nhận “đổi mới là một quá trình, 63 tỉnh/thành trong cả nước là 63 hoàn cảnh tham gia đổi mới”, do đó, theo Bộ trưởng, dù kỳ vọng lớn, song cần xác định nguyên tắc mục tiêu căn bản của đổi mới cần làm ngay, còn mục tiêu trọn vẹn phải từng bước.

Cũng liên quan đến lưu ý khi triển khai chương trình mới, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội sáng 9/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý: Chương trình dành khoảng rất rộng, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, sở GD&ĐT, lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là chủ động của người học. Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy “cứng” để xử lý các việc.

Một trong những ví dụ về tư duy “cứng” được Bộ trưởng chia sẻ là việc chuyển trường của học sinh. Bộ trưởng nhấn mạnh, đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài; cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác; hay các cháu có lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường. Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới.

Về kết luận của đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, trong kết luận này, những gì chưa phù hợp, chúng ta phải giải trình; những gì chưa phản ánh hết phải cố gắng bổ sung để có được các kết luận khách quan nhất. Đây cũng là dịp chúng ta kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những vấn đề về cơ sở vật chất; đầu tư tài chính; chính sách, kể cả chính sách vĩ mô, các bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT và bộ ngành khác… Để khi tổng hợp lại sẽ có sức nặng từ nhiều tỉnh, thành.

Trong các cuộc làm việc, một quan điểm được Bộ trưởng mong muốn sẽ có trong báo cáo giám sát, đó là nhìn nhận chương trình mới đổi mới rất sâu, tốc độ nhanh, đòi hỏi cao, tính kế thừa chương trình cũ rất lớn, nên trong quá trình triển khai không thể nóng vội, đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều. Những gì cấp bách đặt ra phải làm ngay, nhưng cũng có việc cần hoàn thiện từng bước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ