Nóng trong tuần: UBTV Quốc hội bắt đầu giám sát thực hiện Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - UBTV Quốc hội bắt đầu giám sát thực hiện CT mới, Bộ GD&ĐT tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 8 khóa XI là thông tin nổi bật tuần qua.

Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề tại Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề tại Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực hiện chương trình mới

Một trong những thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần qua là Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT bắt đầu chương trình làm việc với các địa phương.

Cụ thể, ngày 9/3, Đoàn giám sát đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội; đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn), THCS Minh Tân B (huyện Sóc Sơn), Tiểu học Minh Quang A (huyện Ba Vì), Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì và làm việc với lãnh đạo các huyện Sóc Sơn, Ba Vì.

Tại Trường Tiểu học Phù Linh, tổ công tác do ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dẫn đầu đã đi thăm cơ sở vật chất, thăm lớp học, trò chuyện với giáo viên và làm việc với nhà trường để tìm hiểu về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thay mặt Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả Trường Tiểu học Phù Linh đạt được trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới; lắng nghe ý kiến của tập thể lãnh đạo, giáo viên cùng các đơn vị liên quan, đoàn công tác đã có những thông tin cần thiết để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

Ông Phan Viết Lượng cũng đề nghị nhà trường phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn để tiếp tục triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng; chú trọng công tác tuyển chọn, bố trí, đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng mọi mặt của giáo viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao không chỉ với những môn học mới.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội).

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội).

Ngày 10/3, Đoàn giám sát tiếp tục chương trình làm việc tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy); PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng); THPT Kim Liên (quận Đống Đa); Tiểu học, THCS, THPT Everest (quận Bắc Từ Liêm).

Theo kế hoạch, trong thời gian từ 9/3 đến 5/4, Đoàn giám sát sẽ chia thành các tổ công tác làm việc với các cơ sở giáo dục, UBND quận, huyện, trước khi làm việc với UBND tỉnh, thành phố.

8 tỉnh/thành Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc.

Liên quan đến vấn đề này, trong tuần, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng làm việc với một số địa phương Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp. Theo đó,ngày 8/3, Thứ trưởng đã chủ trì họp trực tuyến với Sở GD&ĐT Bình Định và Sở GD&ĐT Đắk Nông.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng lưu ý 2 sở GD&ĐT chuẩn bị chu đáo, tốt nhất cho việc đón đoàn tới đây, đặc biệt là các vấn đề về chuyên môn. Các ý kiến trước đoàn giám sát cần rất rõ, gọn, thật bản chất, đi thẳng vào vấn đề, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ những việc ngành Giáo dục đang làm. Điều này rất quan trọng để giúp đoàn xây dựng báo cáo giám sát khách quan, chính xác.

Thứ trưởng mong muốn, qua thực tiễn, ý kiến từ ngành Giáo dục địa phương, nhà trường sẽ làm rõ thêm, sâu sắc thêm để các đại biểu trong đoàn giám sát của Quốc hội hiểu hơn về những việc ngành Giáo dục đang triển khai. Trong đó có sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của toàn ngành khi triển khai đổi mới, hướng tới có “sản phẩm” là các em học sinh thực sự tự tin, năng động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh mới.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Bộ GD&ĐT tổ chức một số sự kiện quan trọng

Trong các hoạt động của Bộ GD&ĐT tuần qua, đáng chú ý là Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai biểu dương các kết quả mà Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Cùng các kết quả đạt được và vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Bộ GDĐT quan tâm, tiếp tục nghiên cứu khắc phục. Quan trọng nhất là làm sao để các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 được thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục và đào tạo với quốc phòng an ninh. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của ngành, của học sinh, sinh viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ GDĐT tiếp tục quan tâm sâu sắc đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, trong đó, tập trung nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, tăng cường bồi dưỡng, giáo dục cho học sinh, sinh viên phát triển toàn diện “vừa hồng, vừa chuyên”; đặc biệt chú trọng công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên. Khơi dậy khát vọng cống hiến, phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, ý chí vươn lên cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm Viện Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng. Đơn vị này sản xuất ra các sản phẩm như: Trà Ngọc Linh, nấm, đông trùng hạ thảo,…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm Viện Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng. Đơn vị này sản xuất ra các sản phẩm như: Trà Ngọc Linh, nấm, đông trùng hạ thảo,…

Chiều 9/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng trong phát triển ngành, trong triển khai đổi mới giáo dục của các trường sư phạm.

Bộ trưởng cho rằng, trong tư duy phát triển, các trường ĐH nói chung phải nhìn rộng nhất ra tầm thế giới, nhân loại, lấy nhu cầu phát triển đất nước, xã hội, con người làm định vị và nhận đường trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.

Nhưng, trường sư phạm ngoài tầm nhìn ấy còn phải lấy tư duy phát triển của ngành làm tư duy phát triển cho mình; lấy nhịp đổi mới giáo dục làm nhịp đổi mới cho mình; lấy cơ hội, thách thức đổi mới của giáo dục làm cơ hội, thách thức cho mình.

Bên cạnh vấn đề chung với các trường sư phạm, tại buổi làm việc, Bộ trưởng đồng thời đưa ra những chỉ đạo, định hướng cốt lõi mà Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cần lưu ý, phát triển trong thời gian tới.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Nhiều thông tin mới trong tuyển sinh ĐH năm 2023

Trong tuần qua, các trường khối công an, quân đội đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2023. Cùng với, đó, đợt thi HSA (Đánh giá năng lực) đầu tiên của ĐHQGHN bắt đầu sáng ngày 10/3 kéo dài đến hết ngày 12/3 cũng là thông tin đáng chú ý.

Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) Đỗ Anh Tuấn cho biết: Năm 2023, Bộ Công an tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh để làm căn cứ xét tuyển vào các trường công an nhân dân (CAND). Dự kiến, thí sinh đến làm thủ tục tại các học viện, trường CAND vào Chủ nhật (2/7); tổ chức thi vào thứ Hai (3/7).

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Công an tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân. Nhóm các học viện, trường CAND là một trong 5 đơn vị tiên phong tổ chức kỳ thi riêng để làm căn cứ tuyển sinh.

Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cũng đã có thông báo: Năm 2023, các trường quân đội tuyển hơn 4.300 chỉ tiêu, giảm 507 chỉ tiêu so với năm trước.

Về công tác sơ tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển. Thí sinh phải có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng (thanh niên ngoài Quân đội sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Quân nhân tại ngũ sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn và tương đương).

Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng (là nguyện vọng 1, nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong Quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển. Nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành. Các nguyện vọng còn lại, thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về công tác xét tuyển, theo quy định của Bộ Quốc phòng, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).