Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) một lần nữa lại nêu ra vấn đề không quản được thì cấm.

Đại biểu Nguyễn Như So phân tích, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản pháp luật về tài chính đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Cho nên, việc ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật này là vô cùng cấp thiết và cần thiết.

Tuy nhiên, đối với Luật Chứng khoán, việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này là chưa phù hợp. Lý do là bởi việc công bố thông tin theo luật hiện hành là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chứng khoán.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân vi phạm thì phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tương ứng của pháp luật. Việc tổng kết, nghiên cứu các tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh là cần thiết, nhưng cần xem xét đến tính bao quát, đại diện, tránh điều chỉnh từng hành vi, vụ việc riêng lẻ dẫn đến bỏ sót, bỏ lọt.

Chúng ta không thể vì không quản lý được thì cấm mà nên căn cứ theo mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các vi phạm do vô ý, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Cho dù đây mới chỉ là quy định trong dự thảo luật nhưng lại là dẫn chứng mới nhất về “tư duy” không quản được thì cấm đã từng diễn ra ở không ít địa phương, ở không ít lĩnh vực… Ví dụ như khi một số loại hình xe chở khách ứng dụng công nghệ xuất hiện, nhiều địa phương đã tìm cách quản lý.

Khi không tìm được giải pháp, có thời điểm một số địa phương đã ban hành các lệnh cấm tạm thời. Hay như việc cấm người ngực lép lái xe; xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ; người đi xe máy phải là xe chính chủ, đây là những quy định phi thực tế, không khả thi và thực tiễn đã chứng minh điều này.

Cần nhấn mạnh rằng, việc ban hành các quy định pháp luật một mặt để điều chỉnh hành vi chưa phù hợp, đồng thời cũng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp...

Bởi vậy, khi ban hành một quy định điều chỉnh một vấn đề nào đó, điều quan trọng là cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phải xuất phát từ thực tiễn, phải lắng nghe và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, phản ánh của người dân, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia, từ đó lựa chọn hình thức điều chỉnh phù hợp để bảo đảm tính khả thi. Vấn đề nữa là khi ban hành một quy định nào đó, phải rất rõ ràng rằng không tạo thuận lợi cho mình, đẩy cái khó cho người khác.

Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đã và đang tồn tại. Cho nên, đã đến lúc không thể xuê xoa mãi với tình trạng, với tư duy này mà cần quy trách nhiệm rõ ràng, có địa chỉ cụ thể để có chế tài xử lý những cơ quan, cá nhân, nhóm cá nhân soạn thảo những văn bản này.

Căn cơ và bền vững hơn, như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thì cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ