Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Minh bạch, luật hóa tài sản số

GD&TĐ - Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 8, đã có định nghĩa tài sản số tại Điều 8.

Việc giao dịch, đầu tư tài sản số, tiền số hiện khá phổ biến thông qua các sàn giao dịch quốc tế. (Ảnh minh họa: INT)
Việc giao dịch, đầu tư tài sản số, tiền số hiện khá phổ biến thông qua các sàn giao dịch quốc tế. (Ảnh minh họa: INT)

Định nghĩa tài sản số trong luật

Theo định nghĩa, tài sản số bao gồm tiền kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa…), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính.

Việc xây dựng khung pháp lý là một trong những hành động nằm trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Với sự phát triển mạnh mẽ của tài sản số, tiền số, đòi hỏi về khung pháp lý đang rất cấp thiết. Dù chưa được công nhận, song trên thực tế, việc sở hữu, giao dịch các loại tài sản số, tiền số diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam.

Báo cáo gần đây của CryptoCrunchApp cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền số trên thế giới (sau Ấn Độ và Mỹ).

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, năm 2022, dòng tài sản số vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, ban hành hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) nhìn nhận, trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, cần xác định tài sản số là gì; vị trí pháp lý và quản lý nó như thế nào. Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành thực hiện việc này, trong đó có hoàn thiện chính sách về thuế đối với tài sản số.

Nhấn mạnh các hoạt động giao dịch, đầu tư về tài sản số, tiền số diễn ra mạnh mẽ thời gian qua, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khi chưa có hành lang pháp lý để quản lý về thuế, dẫn đến thất thu trong những năm qua. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi công nghệ ngày càng phát triển.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nhiệm vụ xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để một mặt bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, một mặt thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.

Cho rằng không ít người sở hữu tài sản số, có thu nhập từ tài sản số, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, họ phải có trách nhiệm đóng thuế; Nhà nước cần quản lý và thu thuế. Song, việc áp dụng các chính sách về quản lý cũng sẽ gặp các khó khăn nhất định, khi phải định nghĩa tài sản số là gì.

“Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm các nước để tiếp cận từng bước. Khi thực tiễn cho thấy đây là một nhu cầu lớn, diễn ra tương đối phổ biến thì đã đến lúc chúng ta phải có một khung khổ pháp lý và triển khai quản lý thuế, thu thuế đối với tài sản số, tiền số”, ông Tuấn thông tin.

Tạo ưu đãi, thu hút đầu tư

Góp ý về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, dự thảo cần tập trung vào 2 mảng chính sách lớn là vấn đề ưu đãi đầu tư và cơ chế cấp phép thử nghiệm.

Để phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, quan trọng nhất là ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, chính sách, ưu đãi thuế, các chính sách liên quan...

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam - VDCA), Chính phủ cũng cần thúc đẩy áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) và cơ chế tự quản dựa trên tiêu chuẩn cộng đồng/ngành được thừa nhận rộng rãi cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống tại Việt Nam.

Trong ngắn hạn, một sandbox hoàn toàn hữu ích và khả thi là Việt Nam có thể thử nghiệm việc chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công với khu vực tư nhân để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả và tối đa giá trị kinh tế của dữ liệu.

“Quy định “doanh nghiệp tham gia thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, hình sự khi đã tuân thủ đúng, đầy đủ quy định và các yêu cầu theo văn bản cho phép thử nghiệm của cơ quan có thẩm quyền” mang tính đột phá, tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới”, đại diện VDCA đánh giá.

Tuy nhiên, dự thảo luật quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm chịu trách nhiệm pháp lý là: “Trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro, nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra”, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tế.

Trong quá trình thử nghiệm, có thể cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa lường hết được toàn bộ rủi ro có thể xảy ra. Vì vậy, không thể bắt doanh nghiệp “buộc phải biết” về rủi ro.

Do đó, VDCA đề xuất, quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm phải chịu trách nhiệm pháp lý là “doanh nghiệp có khả năng biết về nguy cơ rủi ro, nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn đã nêu trong hồ sơ thử nghiệm để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra”.

Các điều kiện doanh nghiệp có khả năng biết về thiệt hại bao gồm: Doanh nghiệp tự mình phát hiện ra lỗi của sản phẩm/dịch vụ, người dùng hoặc các bên khác cảnh báo/phản hồi về lỗi của sản phẩm, dịch vụ.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đề xuất, cần xây dựng các chính sách với “khu công nghệ số” trong Luật Công nghiệp công nghệ số, sao cho đồng bộ với Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo. Đối với các chính sách ưu đãi trong khu công nghệ số, đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nên thuê công ty tư vấn có chuyên môn để rà soát lại từng điều khoản, quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ