Đảm bảo phúc lợi và môi trường làm việc
Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 50 điều, có nhiều điểm mới đáng chú ý. Các điểm này tập trung vào việc xây dựng hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển đội ngũ nhà giáo, thu hút người có trình độ, tâm huyết vào nghề.
Trong số đó, một điểm mới của dự thảo được nhiều thầy cô quan tâm là việc bảo đảm quyền lợi, phúc lợi cho giáo viên, đặc biệt phải kể đến các chính sách về tiền lương, phụ cấp và chế độ nghỉ hưu.
Chia sẻ ý kiến, cô Lê Thị Bích Hồng - giáo viên Trường Mầm non Bảo Châu (Hải Phòng) đánh giá cao tính thực tế và sự phù hợp của dự thảo với tình hình hiện nay. “Áp lực đến từ khía cạnh kinh tế là nỗi lo lớn nhất đối với nhiều giáo viên. Trước đây, đã từng có thời điểm tiền lương không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Luật điều chỉnh lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, cùng với các phụ cấp ưu tiên sẽ giúp giáo viên có thêm động lực làm việc lâu dài”, cô Hồng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Đặng Thị Kim Thoa - giáo viên Trường tiểu học Hiền Giang (Hà Nội) cho rằng việc điều chỉnh lương cơ bản theo hướng tăng cường và công nhận tính đặc thù của nghề giáo là một bước tiến quan trọng. “Chính sách mới hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, nâng cao vị thế người nhà giáo. Khi nghề giáo được thúc đẩy thông qua các quy định pháp lý, chúng tôi cảm thấy yên tâm và tự hào với công việc mình đang làm, bởi đây cũng là sự quan tâm, ghi nhận của Nhà nước dành cho chúng tôi”. Cô nhận định, dự thảo luật lần này có thể cung cấp các điều kiện thuận lợi giúp thu hút thêm nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Giảm áp lực, tạo đà gắn bó
Những điều chỉnh và bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo mới không chỉ tập trung vào cải thiện chế độ đãi ngộ mà còn hướng tới giảm bớt áp lực công việc, tạo môi trường làm việc thoải mái cho giáo viên. Các quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo tính đặc thù trong sử dụng nhà giáo, độ tuổi nghỉ hưu… đã được chú trọng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô, đồng thời thúc đẩy phát triển giáo dục.
Cô Lê Thị Kiên Định - giáo viên Trường Tiểu học Hiền Giang (Hà Nội) kỳ vọng rằng những thay đổi trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ giúp giữ chân giáo viên và thu hút thêm người trẻ vào nghề. “Không ít đồng nghiệp của tôi từng từ bỏ công việc vì áp lực. Nếu dự thảo luật mang lại những hỗ trợ cần thiết, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người trẻ chọn tham gia ngành giáo dục”, cô Định chia sẻ.
Dự kiến, những điều chỉnh mới trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ tạo nền tảng vững chắc cho nghề giáo, củng cố sự ổn định trong ngành. Đây sẽ là đòn bẩy giúp giáo dục Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới và xây dựng một nền giáo dục chất lượng.