Khởi nghiệp từ tình yêu với xứ Bạch Dương

GD&TĐ - Ba bạn trẻ quen nhau từ thời đại học, có điểm chung là thích tìm hiểu và quan tâm đến văn hóa và con người của nước Nga. Sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi người chọn một con đường riêng để dấn thân, song cuối cùng vẫn gặp nhau nhờ ý tưởng khởi nghiệp với cửa hàng kinh doanh đồ Nga nhập khẩu.

Nguyễn Công Hậu - Nguyễn Thị Hồng Mơ - Nguyễn Văn Phúc
Nguyễn Công Hậu - Nguyễn Thị Hồng Mơ - Nguyễn Văn Phúc

Khi sự đam mê lẫn lộn

Đó là câu chuyện của ba người bạn cùng sinh năm 1992, gồm Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Công Hậu và Nguyễn Thị Hồng Mơ, cùng học chung lớp Quản lý tổ chức và nhân sự ở Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM. Hồng Mơ quê ở Đà Lạt, Công Hậu quê ở Thanh Hóa, còn Phúc đến từ Phú Thọ. Thời sinh viên, cả ba bạn cùng gắn bó trong một nhóm học tập suốt bốn năm trời, tình như thủ túc, đến mức tự nhận nhau là anh em kết nghĩa vì cùng chung một họ.

Sau khi ra trường được ba tháng, Phúc và Hậu ở lại TPHCM làm cho hai công ty tư nhân khác nhau. Hồng Mơ thì trăn trở đi tìm ý tưởng khởi nghiệp. Lúc đầu, bạn chọn công việc bán hàng online, dự định lấy doanh thu trang trải học phí cho việc theo đuổi ngành kinh doanh nhưng bị thất bại.

“Đang lúc chán nản, tôi nhận được cuộc gọi hỏi thăm của Hậu. Hậu bảo đang muốn nghỉ công việc cũ và gom tiền tích lũy được ra làm ăn riêng. Hậu có bà con sinh sống và lao động ở Nga, hay gửi hàng Nga về biếu gia đình. Hậu định thông qua mối quan hệ kết nối với nhà cung ứng bên đó để đưa hàng về Việt Nam bán thử, vì theo Hậu, hàng Nga khá phong phú và rẻ nên không khó tìm được thị trường, nhất là nhiều người Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với Liên Xô trước đây. Họ sẽ là khách hàng tiềm năng nhờ vào ký ức một thời”, Hồng Mơ nhớ lại.

Chưa biết kế hoạch kinh doanh có khả quan hay không nhưng cú điện thoại của Hậu đã nhen nhóm lại ý tưởng khởi nghiệp trong lòng Mơ. Mơ đồng ý trong vòng một nốt nhạc. “Tuy nhiên, ông bà ngày xưa vẫn thường nói ba cây chụm lại nên hòn núi cao, chúng tôi cảm thấy hai người phối hợp vẫn chưa chắc chắn bèn đánh tiếng nhờ Phúc giúp đỡ. Phúc đang làm cho công ty xuất nhập khẩu, lại có kiến thức về thương mại quốc tế nên sẽ tư vấn cho chúng tôi được nhiều điều”, Công Hậu nói.

Bản thân Phúc là người có mối quan tâm đặc biệt đến nước Nga vì gia đình có nhiều người sinh sống, học tập và làm việc tại xử sở Bạch Dương từ ngày nước nhà vừa thống nhất.

Thêm vào đó, Phúc rất thích văn hóa Nga, đặc biệt là các tác phẩm văn chương. Phúc kể lại: “Thời THPT, tôi đã đọc lần lượt các tác phẩm kinh điển của Anton Chekhov, Dostoyevsky. Đọc và xem phim trọn bộ Chiến tranh và Hòa bình. Thậm chí mua cả đĩa gốc phim tình báo 17 Khoảnh khắc mùa xuân về nhà “tu luyện”. Sau khi nghe ý tưởng của các bạn tôi cảm thấy rất là hào hứng”

Thế là ba người bạn xa quê cùng nhau bắt tay thực hiện ý tưởng khởi nghiệp ngay trên mảnh đất Sài Gòn. Lúc đầu, Phúc chỉ đóng vai trò tư vấn, nhưng càng về sau, công việc kinh doanh càng thuận lợi, Phúc xin nghỉ hẳn ở công ty để tập trung vào dự án khởi nghiệp.

Đặc sản Nga được trưng bày trên kệ hàng
Đặc sản Nga được trưng bày trên kệ hàng

Ra biển lớn tìm kiếm nguồn hàng

Với 50 triệu đồng vốn ban đầu, trong đó Hậu đóng góp 30 triệu, Phúc và Hồng Mơ cùng đóng góp mỗi người 10 triệu, ba bạn trẻ mở cửa hàng tên Rustrip năm 2016. Rustrip là chữ ghép của hai chữ Russia (nước Nga) và Triple (hàm nghĩa là bộ ba).

Lúc đầu, Rustrip chỉ mang ý nghĩa tinh thần, hoàn toàn không chứa đựng giá trị doanh nghiệp vì các bạn vẫn kinh doanh hàng Nga xách tay như nước hoa, rượu, mỹ phẩm, bánh kẹo… qua mạng zalo và facebook, chủ yếu nhờ vào mối quan hệ ở hải ngoại.

“Lợi nhuận kinh doanh không ít nhưng mô hình quá nhỏ lẻ, không tương xứng với ý tưởng ban đầu. Năm 2017, chúng tôi quyết định đổi mới cách thức làm ăn, tìm đường làm ăn chính ngạch”, Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Dựa vào hiểu biết của mình, Phúc tư vấn cho các bạn rằng thỏa thuận khu vực thương mại tự do giữa các cộng đồng kinh tế Á-Âu (EAEC) và Việt Nam có hiệu lực từ năm 2015, thuế suất dành cho các mặt hàng Nga nhập khẩu vào Việt Nam đã được giảm theo lộ trình. Doanh nghiệp Nga đang tìm cách tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, vấn đề của họ là tìm đối tác phân phối, nếu Rustrip tận dụng cơ hội này thì có thể làm trung gian cho rất nhiều doanh nghiệp. Ban đầu, có thể ký hợp đồng nhỏ bán thử nghiệm, sau khi thuận lợi sẽ mở rộng quy mô.

Thông qua các mối quan hệ, ba bạn trẻ cùng tìm hiểu về cách thức liên hệ với cơ quan xúc tiến thương mại Nga ở Việt Nam, các đầu mối doanh nghiệp Nga cung ứng sản phẩm, quy trình thủ tục hải quan, và cuối cùng là tìm người phiên dịch Nga văn để trợ giúp giao dịch.

Cuối năm 2017, các bạn kết nối với Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam, được nhiều bạn bè người Nga biết tiếng Việt tận tình giúp đỡ. Công ty Nga Znamensky là đối tác đầu tiên đồng ý hỗ trợ các bạn về quy trình và cách tiếp cận thị trường. “Lô hàng đầu tiên trị giá gần 400 triệu đồng, trong đó hết 250 triệu đồng tiền vay mượn gia đình và ngân hàng, bao gồm các sản phẩm bánh kẹo, socola, đồ hộp, đặc sản, thực phẩm chế biến từ Nga, vận chuyển hết 40 ngày từ Saint Petersburg về Việt Nam. Chúng tôi phải thanh toán 100% khi đặt hàng để giữ uy tín”, Nguyễn Công Hậu chia sẻ.

Lúc này, Nguyễn Văn Phúc đã nghỉ việc ở công ty cũ, tập trung lo việc đàm phán giao dịch. Hậu và Mơ đi quảng bá sản phẩm trong nước trước khi đợi hàng về. Thông qua mối quan hệ được Phúc giới thiệu, các bạn nhắm đến thị trường ngách là phân phối sỉ sản phẩm cho các nhà hàng Nga, các quán ăn Nga, các không gian lễ hội ẩm thực, hoặc nơi có đông du khách Nga với mức chiết khấu cao.

“Chúng tôi xác định trong hai năm tiếp theo có thể hòa vốn là mừng. Vì xác định làm ăn lớn thì không thể trông chờ vào lượng khách vãng lai như bán hàng online được. Quan trọng là tiêu thụ được hàng, những năm tiếp theo có thể đàm phán ứng trước với đối tác”, Hồng Mơ cho biết.

Đưa hàng Nga lên kệ

Theo chia sẻ của ba “nhà sáng lập” Rustrip, mặc dù chú trọng kênh phân phối sỉ nhưng họ vẫn không bao giờ xem nhẹ việc bán lẻ cho khách hàng. Chính việc bán lẻ mới góp phần quảng bá tốt hơn thương hiệu của họ.

Ba bạn trẻ lên kế hoạch thuê một mặt bằng nhỏ để đưa hàng Nga lên kệ, biến nó thành một siêu thị mini với nội thất đậm chất Nga thập niên 1980. Hồng Mơ đề xuất ý tưởng chỉ trưng bày 80% hàng Nga, còn lại chú trọng sản phẩm hữu cơ trong nước và các mặt hàng tương đương.

“Nhiều sản phẩm công nghệ thực phẩm của Nga đang đổ bộ vào thị trường bình dân và trung cấp nên thích hợp với việc bán lẻ. Lựa chọn sản phẩm trong nước tương đương bán cùng sản phẩm của Nga tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội so sánh về giá cả và chất lượng để thấy rằng hàng Nga vẫn phù hợp túi tiền và nhu cầu của người Việt”, bạn Mơ phân tích.

Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là kẹo bánh, sữa bột, ngũ cốc (chiếm 40%), rượu (chiếm 30%) và dầu ăn (chiếm 15%), bên cạnh những dòng sản phẩm khác như lúa mì, lúa mạch, hạt hướng dương đóng ép viên, phân bón hữu cơ, mỹ phẩm,… Có thể kể đến nhiều thương hiệu nổi tiếng của Nga đã có mặt tại Rustrip như Magnit, Bimuka, Paritet, Kuban Wine, Fanagoria Wine, Igristye Wine, Makfa, Aston… Sản phẩm dầu hướng dương Svetlitsa 0,9 lít sản xuất theo công nghệ ép lần đầu để giữ lại các vitamin tự nhiên và hương vị hạt hướng dương truyền thống có giá chỉ từ 40.000 đồng.

Đặc sản cocktail mật ong với quả óc chó hộp 250gr bán với giá dưới 100.000 đồng, gồm kem mật ong trộn với hạt óc chó, được quảng bá là cung cấp năng lượng và protein, giúp cải thiện trí nhớ, giảm cholesterol…

Những mặt hàng khác từ Nga như cháo yến mạch Pantet, thịt bò hầm, mận khô, táo nghiền, sữa đặc có đường nguyên chất Molochnaya Strana hộp 380gr,… cũng thích hợp để chế biến bữa ăn của người Việt. Đặc biệt, sản phẩm rượu của Nga đã được thị trường Việt Nam biết đến từ khá lâu với thương hiệu Vodka, nay có thêm rất nhiều chủng loại đa dạng như Balm Bugulma 500ml, Vodka Tundra Bitter 500ml, Your Choice Whisky loại 500ml và 700ml…

Hiện tại, lượng khách hàng đến mua lẻ tại Rustrip hoặc đặt hàng giao tận nhà đang trên đà tăng trưởng. Sau khi trừ tiền mặt bằng, doanh thu một tháng của cửa hàng không dưới 15 triệu đồng. Đa số là khách quen mua biếu tặng nhau, hoặc người hiếu kỳ được chỉ dẫn đến cửa hàng.

“Từ tháng 6 năm nay, chúng tôi chính thức thương mại hóa sản phẩm qua kênh thương mại điện tử Shopee, hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ tiện lợi hơn cho khách hàng. Cuối năm nay, với kết quả kinh doanh vượt xa mong đợi, nhiều khả năng chúng tôi có thể ký hợp đồng trả sau với đối tác. Hiện phía Nga họ rất tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ”, Nguyễn Văn Phúc hào hứng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ