Những “gáo nước lạnh” cần thiết
Tại Cuộc thi Khởi nghiệp Startup Zone do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức mới đây, thí sinh Nguyễn Hồng Đức - đến từ Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định - rất tự tin về Dự án “Friend Dinner” của mình.
Áp dụng mô hình tương tự như ứng dụng gọi xe Uber hay Grab, nhưng dành cho lĩnh vực ăn uống, các bà nội trợ sẽ nấu các món ăn hằng ngày và đăng tải lên ứng dụng. Những nhân viên văn phòng bận rộn muốn thưởng thức các bữa ăn có hương vị “chuẩn nhà làm” sẽ chọn món phù hợp với mình thông qua ứng dụng và đơn vị vận chuyển sẽ mang đến ngay trong thời gian ngắn.
Mô hình được Đức kỳ vọng sẽ thay thế các hàng quán truyền thống và đáp ứng nhu cầu ăn ngon và sạch của đối tượng khách hàng bận rộn tại các thành phố lớn. Phần trình bày rất gãy gọn, chuyên nghiệp và tự tin của Đức khiến cả khán phòng hơn 1.000 khán giả kinh ngạc và không ngừng tán thưởng.
Tuy nhiên, Ban giám khảo vốn là những chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay, nhanh chóng chỉ ra những hạn chế lớn mà ý tưởng của Đức mắc phải, như vấn đề kiểm tra chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốc độ giao nhận sản phẩm. Ông Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường doanh nhân BizUni và là nhà đồng sáng lập CLB Quản trị và Khởi nghiệp - khẳng định:
“Friends Dinner” sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự như các hình thức ứng dụng kinh tế chia sẻ khác: Đó là không có đủ nguồn kinh phí khổng lồ cho việc thuyết phục khách hàng và các bà nội trợ đồng ý tải và sử dụng ứng dụng này thường xuyên. Kết quả là, dù có màn trình bày hết sức ấn tượng, nhưng dự án của Đức không thuyết phục được các nhà đầu tư góp vốn và chỉ giành được giải 3 chung cuộc.
Tương tự, tại Cuộc thi IU Startup Demo Day 2018, hai chàng trai Nguyễn Hữu Thịnh và Huỳnh Đông Trường Thịnh háo hức chia sẻ với các giám khảo về ý tưởng sản xuất HODL - một chiếc bình nước thông minh kèm sạc dự phòng dùng cho đối tượng khách hàng hay hoạt động ngoài trời, tập thể thao…
Tự tin khi trình bày bao nhiêu, hai bạn lại bối rối bấy nhiêu khi giám khảo Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ Thế giới Thông minh - hỏi về quy trình sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp, cách bảo vệ sản phẩm trước hàng nhái và đối thủ cạnh tranh. Điều này cho thấy từ ý tưởng khả thi đến sản phẩm thực tế là một khoảng cách vô cùng lớn, nhất là đối với các bạn trẻ.
Một câu chuyện nữa cũng có kết cục không khác lắm, ngay trong cuộc thi nói trên: Dự án DOCPOC - ứng dụng thông minh kết nối người bệnh với bác sĩ qua smartphone, do nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế TPHCM sáng chế.
Dù có ý tưởng khá độc đáo và phù hợp với xu hướng công nghệ sử dụng nền tảng kết nối vạn vật IoT (Internet of Things), nhưng Ban giám khảo đã chỉ ra rằng dự án cũng còn vô số vấn đề hạn chế về cơ sở dữ liệu, cách thức triển khai, kiểm soát chất lượng và nguồn vốn khổng lồ cần huy động...
Hành trang quý giá cho tương lai
Những câu chuyện như trên diễn ra ở hầu hết các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay. Các sinh viên thường có xu hướng muốn xây dựng dự án ở quy mô rất lớn, đôi khi ở tầm quốc gia, khu vực và cả thế giới.
Điều này theo ông Trần Hùng Thiện - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Công ty cổ phần Nghiên cứu thị trường GCOMM - bắt nguồn từ việc các bạn trẻ được truyền cảm hứng từ những tấm gương thành công nổi tiếng trên thế giới như Bill Gates bỏ học tạo dựng nên Microsoft hay Mark Juckerberg thành công với Facebook.
Tuy nhiên, ông Trần Hùng Thiện đã chỉ ra rằng, đó là một sai lầm rất lớn, bởi “sự khác biệt giữa chúng ta và các thiên tài trong hàng tỉ người mới có một như trên là quá lớn. Điều thiết thực hơn là học hỏi từ những người xung quanh, những nhà khởi nghiệp thành công ở trong nước có sự tương đồng về xuất phát điểm và môi trường kinh doanh với chúng ta”.
Theo các chuyên gia, nhà khởi nghiệp nên bắt đầu từ những dự án có quy mô nhỏ, vừa phải và thực hiện một cách chỉn chu nhất có thể; hơn là việc xây dựng một ý tưởng vĩ đại, nhưng thiếu chi tiết, rồi hy vọng thành công vang dội cùng nó. Thực tế cũng có trường hợp thành công sớm ngay từ những lần thử đầu tiên. Tuy nhiên ông Trần Hùng Thiện lưu ý điều này chưa chắc đã tốt.
“Thành công sớm có thể dẫn đến tính tự phụ thái quá vào bản thân, tin rằng mình có thể làm được mọi thứ là điều rất nguy hiểm. Bạn có thể thành công ở dự án 1 tỷ ,10 tỷ, 100 tỷ, nhưng lại bất ngờ “ngã ngựa” ở dự án lớn nhất thì sẽ rất khó gượng dậy”, CEO của GCOMM nhấn mạnh.
Chính vì vậy, việc tham dự các cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên hiện nay là rất cần thiết và bổ ích. Liên tục bị “dội” những “gáo nước lạnh” sau khi trình bày ý tưởng của mình với khán giả cũng như các chuyên gia là một trải nghiệm không mấy vui vẻ, nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các nhà khởi nghiệp trẻ nhìn nhận tốt hơn về bản thân, về dự án của mình, cũng như các vấn đề phức tạp mà môi trường khởi nghiệp mang đến.