Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo vệ môi trường

GD&TĐ - Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển hàng đầu tại Đông Nam Á. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp xã hội phát triển và được hỗ trợ.

Ông Dương Văn Bá, Vụ phó Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên- Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo
Ông Dương Văn Bá, Vụ phó Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên- Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo

Trong hội thảo Youth Co:Lab Việt Nam 2018 với chủ đề “Phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững” diễn ra tại Saigon Innovation Hub TPHCM ngày 22/6, Hoàng Quỳnh Hương - sáng lập dự án Save your Ocean chia sẻ về con đường khởi nghiệp tạo tác động xã hội của mình, cùng với đó là những thách thức mà Hương gặp phải khi khởi nghiệp.

Quỳnh Hương, cựu SV ngành Ngoại thương, Trường ĐH Kinh Tế TPHCM, cho biết: Cô từng có thời gian làm việc tại một công ty tại Nhật Bản với mức lương ổn định. Trong một lần đi du lịch, Hương nhận thấy thói quen sử dụng nước của khách du lịch hiện nay chủ yếu là mua tại chỗ. Điều này sẽ phát sinh một lượng lớn chai nhựa thải ra môi trường mỗi ngày.

“Những bãi biển với dải cát vàng tuyệt đẹp trở nên nhếch nhác và mất thẩm mỹ với hàng loạt chai nhựa, đe dọa đến môi trường” - Hương nói.

Từ vấn đề đó, Hương đã quyết định nghỉ việc tại công ty Nhật và xây dựng một giải pháp công nghệ mang tên “Save your Ocean”. Theo đó người dùng sẽ sử dụng một chai nước với nắp chai thông minh. Khi chạm nắp chai này vào các trạm cấp nước, chiếc vòi trạm cấp nước sẽ tự động mở nhờ sử dụng công nghệ NFC.

Hoàng Quỳnh Hương sáng lập dự án Save your Ocean chia sẻ với báo chí tại hội thảo

Hoàng Quỳnh Hương sáng lập dự án Save your Ocean chia sẻ với báo chí tại hội thảo

Người dùng sẽ phải trả khoảng 2.000 đồng trong một lần lấy nước, rẻ hơn rất nhiều so với việc mua chai nước thông thường. Hiện nay dự án Save your ocean có khoảng hơn 1.000 trạm cấp nước thông minh ở các địa điểm du lịch ở Hà Nôi, Đà Nẵng, TPHCM,…

Hương cho biết, mục tiêu của dự án là hợp tác với các công ty, đơn vị du lịch lắp đặt khoảng 10.000 trạm cấp nước thông minh trên khắp thế giới. Theo đó sẽ giảm thiểu khoảng 100 triệu chai nhựa đến năm 2020.

Dự án mang nhiều ý nghĩa cộng đồng như vậy nhưng Quỳnh Hương cho rằng khó khăn để thực hiện dự án này là không hề nhỏ. “Cũng chính vì mang tính cộng đồng, bảo vệ môi trường nên gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và nguồn vốn. Tuy nhiên, lợi nhuận thì quan trọng thật nhưng có những giá trị còn quan trọng hơn rất nhiều lần. Và dự án của chúng tôi đặt giá trị cộng đồng lên trên giá trị kinh tế”, Quỳnh Hương chia sẻ.

Trước những vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam đang gặp phải, bà Caitlin Wiesen -Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, mạnh mẽ và tăng cường kỹ năng để có thể khơi nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào của thanh niên trong việc giải quyết những thách thức lớn trên con đường phát triển bền vững”.

Bên cạnh đó, bà Caitlin Wiesen cũng cho biết UNDP sẽ tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững. Và những dự án được chọn sẽ tham gia chương trình ươm mầm tăng tốc khởi nghiệp, cũng như có cơ hội trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình với các nhà đầu tư quốc tế. Từ đây sẽ giải quyết được khó khăn về việc gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội.

Cũng tại hội thảo, ông Dương Văn Bá, Vụ phó Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (HS-SV), Bộ GD&ĐT cho rằng hiện nay HS-SV chưa có kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp và các hoạt động tự tạo việc làm. Tinh thần của SV hiện nay cơ bản là đang học để xin việc, mà chưa có tinh thần học để tìm việc. Học để xin việc là học cho có bằng tốt nghiệp rồi cầm đi xin đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp nào đó và người ta cho việc gì thì mình làm việc đấy. Chứ chưa có tinh thần chủ động tìm việc và tự tạo việc làm phù hợp với bản thân mình.

Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đang triển khai đề án hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp, nhằm thúc đẩy tinh thần và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho SV để hình thành ý tưởng khởi nghiệp, cũng như hỗ trợ cho SV tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường…

Ông Bùi Quang Huy, Phó giám đốc đối ngoại ngân hàng CitiBank chia sẻ, tại Việt Nam có đến 60% người khởi nghiệp là người trẻ. Với đội ngũ này, các tổ chức nhà nước và tư nhân cần phải xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ bằng các hoạt động kết nối, đào tạo, huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp cho các bạn trẻ.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ 500.000 USD nhằm trang bị cho khoảng 500.000 thanh niên các kỹ năng khởi nghiệp, các chương trình ươm tạo để thúc đẩy các dự án khởi nghiệp bền vững của thanh niên Việt”- ông Huy chia sẻ.

Youth Co:Lab là sáng kiến của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Quỹ Citi Foundation và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức. Hoạt động này nằm mục tiêu hỗ trợ khoảng 130 thanh niên Việt Nam khởi nghiệp. Chương trình sẽ tổ chức các hoạt động hội thảo, đào tạo, ươm tạo... cho các dự án khởi nghiệp xã hội, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Chương trình diễn ra tại TPHCM trong 3 ngày từ 22 đến 24/06 tại Saigon Innovation Hub và HCMBK - UP ( Trường ĐH Bách khoa TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.