Đến Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (Mỹ Hào, Hưng Yên), chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến những chiếc ao nước chảy róc rách, cá ken dày thi nhau quẫy lội ngược dòng, đớp mồi lộp bộp.
Trên bề mặt ao nổi bật từng khối màu, phớt hồng của cá diêu hồng, đen lóng lánh của cá trắm, xam xám của cá chép... Những chiếc ao đang mang lại những vụ bội thu này là kết quả từ việc áp dụng mô hình “dòng sông nhân tạo” của chàng trai Vũ Duy Hào, phụ trách kỹ thuật của Hợp tác xã Hòa Phong.
Hào chia sẻ, ý tưởng sáng chế “dòng sông nhân tạo” được hình thành từ câu chuyện và ít tài liệu bằng tiếng Anh được mẹ cậu mang về từ một cuộc hội thảo. Mẹ Hào đi tham dự hội thảo của một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Mỹ, được nghe chuyên gia nước ngoài kể chuyện về mô hình làm sông nhân tạo ở nước họ.
Được mẹ kể lại cùng với tập tài liệu bằng tiếng Anh có vài hình ảnh minh hoạ, cậu nảy sinh ý tưởng làm “dòng sông nhân tạo”. Sau nhiều ngày dồn tâm sức mày mò, tính toán, Hào đã tạo được “dòng sông nhân tạo”. “Dòng sông nhân tạo” cơ bản gồm sản xuất đầu vào là hệ thống bơm sục khí tạo dòng chảy ngầm qua một bức vòm cong, đầu ra là hệ thống hút chất thải. Để áp dụng vào thực tiễn Hào đã phải trải qua không ít khó khăn, nhiều lần tháo ra làm lại từ đầu.
“Lần đầu làm chi tiết vòm cong của “sông nhân tạo” không chuẩn, khí từ các ống nhỏ thay vì đi ngầm tạo dòng chảy cho sông lại thổi thẳng lên trời khiến cá đột ngột mất ô-xy, chết trắng ao phải vớt bỏ. Lần khác, “sông nhân tạo” bể khiến cá tràn ra ao khi lưới chắn bằng nhựa cản dòng nước bật ra khỏi đinh vít. Chỉ riêng phần đầu ra hút chất thải tôi phải sửa đi sửa lại suốt hơn một năm. Sau những lần thất bại, tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao mô hình chưa thành công, rồi tiếp tục nghiên cứu, làm lại. Bốn lần thử nghiệm, đến nay mô hình nuôi cá bằng“sông nhân tạo”cơ bản đã hoàn thiện”, Hào nhớ lại.
Năng suất, chất lượng vượt trội
Hào vẫn nhớ những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế. Cậu lao tâm tổn sức mà cá nuôi vẫn chậm lớn, chất lượng thịt cá thấp, thậm chí lao đao khi gặp sự cố, dịch bệnh khiến cá thi nhau chết. “Tôi chưa có tí kiến thức nào về chăn nuôi, nhưng gia đình có trang trại nuôi cá và đi buôn cá nên quyết định kế nghiệp của bố mẹ. Những kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi của tôi đều thu nhận từ thực tế, đắt đỏ hơn nhiều so với tiền học đại học. Mỗi lần trải nghiệm phải đánh đổi bằng tiền trăm triệu”, Hào chia sẻ.
Phụ trách kỹ thuật của Hợp tác xã Hòa Phong, Hào phải chịu trách nhiệm từ việc chọn nguồn cá giống, lập danh sách loại, số lượng cá thả đến chỉ dẫn công nhân chăm sóc, kỹ thuật, xử lý khi có dịch bệnh. Điều bất ngờ, Hào chưa từng trải qua trường lớp bài bản về kỹ thuật nuôi cá. Vốn theo nghiệp boxing, bị chấn thương trong khi thi đấu khiến cậu phải giải nghệ, về quê gắn bó với ao cá.
Hiện 15 “dòng sông nhân tạo” được lắp đặt trong ao của hợp tác xã đã cho những kết quả vượt trội về năng suất và chất lượng thịt cá. Mật độ cá thả có thể dày lên ở mức 40 con/m2, trong khi thả ao bình thường chỉ mức 2 con/m2. Cá mau lớn, thịt săn chắc vì thường xuyên phải vận động, háu đói nên ăn tới 4 lần/ngày. Thịt cá không còn hôi tanh mùi bùn so với cá thả ao tĩnh. Ngoài ra, “dòng sông nhân tạo” còn cung cấp nguồn nước nhiều dưỡng chất có thể phục vụ trồng rau sạch bằng công nghệ thuỷ sinh trong nhà lưới.
Với sáng chế và áp dụng thành công mô hình “dòng sông nhân tạo”, góp phần đưa Hợp tác xã Hòa Phong phát triển, Hào đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Mới đây Hào còn được T.Ư Đoàn tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.