Khoảng 74% học sinh vào học THPT

GD&TĐ - Căn cứ số HS lớp 9 năm học 2021-2022 so với số HS lớp 10 năm học 2022-2023 cho thấy, khoảng 74% HS toàn quốc vào học THPT.

Học sinh Trường THCS Quản Cơ Thành, An Giang.
Học sinh Trường THCS Quản Cơ Thành, An Giang.

Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, số lượng học sinh lớp 9 năm học 2021-2022 là 1.414.703; số học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 là 1.050.032.

Còn lại khoảng 26% học sinh phân luồng. Tuy nhiên, trong đó có tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp còn thấp, bởi có tỉ lệ học sinh tham gia trực tiếp vào thị trường lao động do nhiều nguyên nhân.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện Đề án 522, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông ở các địa phương được quan tâm chỉ đạo, thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nhiều Sở GD&ĐT đã ký kết các văn bản hợp tác, phối hợp thực hiện Đề án với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Qua đó, tạo cơ sở về chủ trương, định hướng về chính sách, xác định các nhiệm vụ và giải pháp, giúp tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Các địa phương đã tích cực triển khai với nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả, góp phần giải quyết được bài toán hướng nghiệp, phân luồng tại địa phương, được xã hội đồng tình, ủng hộ.

Nhiều địa phương đã có những chính sách hiệu quả, thiết thực trong việc hỗ trợ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh phù hợp với đặc điểm và tình hình của địa phương.

Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác hướng nghiệp, phân luồng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đó là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt tỉ lệ thấp; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng cũng không cao không đảm bảo mục tiêu đề ra của Đề án của Chính phủ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này, trong đó, nổi lên một số nguyên nhân có thể được xem là chủ yếu.

Một là tâm lý của học sinh và cha mẹ học sinh luôn mong muốn con em mình học tiếp lên đại học hoặc ở nhà lao động kiếm sống ngay.

Hai là đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm vừa thiếu về số lượng vừa còn hạn chế về năng lực thực hiện.

Ba là chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Bốn là nhiều địa phương chưa có đủ hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thu hút học sinh. Một số địa phương gặp khó khăn trong việc phân luồng học sinh, đặc biệt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh được các Sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện trong Chương trình GDPT 2018 như: thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục của Chương trình GDPT 2018; định hướng phân luồng học sinh ngay từ cuối giai đoạn giáo dục cơ bản (kết thúc THCS) và việc lựa chọn các tổ hợp môn học ở cấp THPT;

Tiếp tục nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn làm công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ