Phân luồng học sinh, tháo gỡ từ giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, công tác phân luồng học sinh còn khó khăn; việc thu hút các em tham gia học nghề hạn chế.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: TG
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: TG

Muốn vậy, cần đổi mới giáo dục nghề nghiệp cùng nhiều giải pháp đồng bộ.

Còn nhiều bất cập

Bà Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương) viện dẫn, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh, đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS không thi đỗ vào lớp 10 các trường THPT công lập mới chọn học trường trung cấp nghề với mục đích có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi tiếp tục thi vào các trường đại học.

Theo bà Nga, thực trạng trên dẫn tới lãng phí không nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khảo sát cụ thể vấn đề và có giải pháp khắc phục thời gian tới.

Cho rằng, thời gian gần đây số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng, nhưng theo bà Trần Thị Thanh Hương (Đoàn Đại biểu Quốc hội An Giang), số lượng lao động được đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu được rà soát, sắp xếp, song còn nhiều bất cập, nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ gây lãng phí.

Nhìn nhận, hiện nay việc thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi, đa phần học sinh vào học trường nghề không có nhu cầu hoặc nhu cầu học lên cao khó thực hiện. Ngoài ra, nhiều em chọn học nghề bởi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, muốn học ngắn hạn để ra trường sớm có việc làm. Tất nhiên, không phải tất cả học sinh khó khăn, yếu kém mới học nghề; nhiều em có nhu cầu học nghề thực sự.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm có khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên học nghề thì hiện nay quy mô tuyển sinh đạt khoảng 2 triệu em. Có thể thấy, đây là sự tiến bộ rõ rệt. Trong 2 triệu học sinh, sinh viên học nghề, có khoảng 25% học trung cấp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận giáo dục nghề nghiệp còn nhiều điều phải quan tâm khi quy mô chưa lớn, chất lượng cần tiếp tục đổi mới, cải thiện. Các hệ thống chính sách pháp luật, chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh vào các trường nghề chưa nhiều.

Mục tiêu kép từ phân luồng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp, việc đầu tiên phải làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức xã hội. Ngoài ra, cần có nhiều giải pháp kết nối với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho học sinh.

“Hiện nay, 85% học sinh, sinh viên các trường nghề ra trường có việc làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm thu hút học sinh vào trường nghề. Song quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ từ các bậc cha mẹ và bản thân người học” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Hiện nay, thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng. Ảnh: Hải Nguyễn/Báo Lao động

Hiện nay, thu hút học sinh vào trường nghề không dễ dàng. Ảnh: Hải Nguyễn/Báo Lao động

Đề cập đến công tác phân luồng, người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, mục tiêu của Chính phủ và Quốc hội đặt ra là, hết năm 2025 phấn đấu chỉ tiêu phân luồng đạt 40 đến 45% học sinh phổ thông vào học nghề; định hướng chiến lược đến năm 2030 đạt chỉ tiêu 50 đến 55%.

Theo Bộ trưởng, đây là chỉ tiêu cao và khó nhưng vô cùng quan trọng. Thực tế công tác phân luồng không phải bây giờ mới làm. Cách đây 20 năm, Ban Bí thư đã nêu vấn đề này và đã đặt ra chỉ tiêu 30% học sinh phổ thông học nghề. Hiện chúng ta đạt được 26%.

“Chúng tôi cho rằng, phân luồng học sinh nhằm thực hiện mục tiêu kép: Đào tạo thợ để cân đối giữa thợ với thầy và điều chỉnh quy mô đào tạo; đồng thời gắn với thị trường lao động linh hoạt mà vẫn đạt mục tiêu liên thông, học tập suốt đời cho người lao động. Những vấn đề này đã đặt ra, còn việc phân luồng thế nào lại đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi.

Gần đây, số học sinh học trung cấp nghề tăng lên. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải điều này bởi chúng ta đang áp dụng phương pháp mới là đào tạo theo mô hình Kosen và đào tạo 9+. Tức là, học sinh học xong lớp 9 có thể vào học trường nghề hoặc tốt nghiệp phổ thông rồi vào trường nghề học tập.

Theo đó, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã vào học trường nghề. Các em vừa học văn hóa, vừa học nghề, khi ra trường có bằng nghề lẫn bằng tốt nghiệp phổ thông theo các tiêu chuẩn, quy định của Bộ GD&ĐT. Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều nước phát triển cũng áp dụng và khuyến khích mô hình này như: Nhật Bản, Canada, Đức...

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tập trung hoàn thiện quy định về đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp và các giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Không nên để việc học sinh vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng như một số đại biểu Quốc hội đã nêu.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, có nhiều chính sách khuyến khích đối với học nghề. Chẳng hạn học sinh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề sẽ được học miễn phí hoàn toàn và ưu tiên tìm việc khi học xong. Đối với những em tiên tiến còn được đào tạo chương trình chất lượng cao miễn phí…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.