Tăng cường phân luồng hướng nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở

GD&TĐ - Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM luôn chú trọng đến công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của đặt câu hỏi tại một buổi tư vấn hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.
Học sinh Trường THCS Lương Định Của đặt câu hỏi tại một buổi tư vấn hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.

Qua đó đã giúp một bộ phận học sinh có hướng đi phù hợp, hạn chế sự lãng phí về thời gian, chi phí và công sức học tập, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tăng cường hoạt động hướng nghiệp

Sở GD&ĐT TPHCM đã có hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh trong năm học 2022-2023. Đối với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhà trường phải đổi mới nội dung những chủ đề phù hợp với xã hội và tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay như: nghề tương lai trong cách mạng 4.0, giao tiếp trên mạng xã hội, smartphone trong đời sống xã hội, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình...

Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của trường, tối thiểu là 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa). Tùy điều kiện của đơn vị, nhà trường tăng cường các hoạt động hướng nghiệp thông qua trải nghiệm, tránh tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh. Riêng đối với bậc THCS, nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế các nhóm ngành nghề tại doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp ít nhất 1 lần/năm.

Thực tế, thời gian qua các trường THCS trên địa bàn TPHCM đã tổ chức nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tùy vào điều kiện kinh phí. Các hoạt động được triển khai theo nhiều phương thức được tổ chức ngay tại trường hay tham quan, trải nghiệm thực tế ở trường cao đẳng, trung cấp nghề, các công ty, tổ chức,…

Trong đó, hoạt động phổ biến nhất là các ngày hội hướng nghiệp do trường học tổ chức. Trong mỗi buổi, trường có thể mời các chuyên gia hướng nghiệp hoặc những người thành công trong một lĩnh vực nào đó tham gia tư vấn, giải đáp trực tiếp cho học sinh. Đây là điều không phải phụ huynh nào cũng có đủ hiểu biết để định hướng cho con.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu, phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) cho hay, trong những năm qua, về cơ bản triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh theo các quy định và có hiệu quả cao. Các nội dung tuyên truyền hướng nghiệp được nhà trường lồng ghép vào các tiết học, sinh hoạt lớp, chào cờ,...

Ngoài ra, nhà trường mời các chuyên gia, giáo viên trường nghề về tư vấn trực tiếp cho học sinh phụ huynh, đưa ra các thông tin nhu cầu lao động tại địa bàn... Trên cơ sở các thông tin đó, học sinh, phụ huynh căn cứ vào năng lực, nhu cầu, điều kiện của mình để có lựa chọn phù hợp nhất.

Trường THCS An Lạc tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh.

Trường THCS An Lạc tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh.

Giúp học sinh chọn đúng hướng

Cũng theo chia sẻ của cô Vũ Thị Minh Hiếu, lâu nay nhà trường vẫn tiến hành tư vấn cho học sinh để các em cân nhắc những hướng đi khác ngoài vào lớp 10 công lập. Dựa trên kết quả học tập của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với thầy cô bộ môn để thảo luận thêm về những trường hợp học sinh có điểm số thấp, học lực chưa tốt. Trên cơ sở đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với phụ huynh và học sinh, chỉ ra những hướng đi phù hợp với năng lực của người học.

"Việc này giúp học sinh xác định được kế hoạch trong tương lai, nỗ lực cố gắng bứt phá ở chặng cuối, chủ động chọn nơi học tập để không bị sốc tâm lý trong mọi hoàn cảnh. Tất cả trao đổi đều phải khéo léo, hạn chế tối đa việc gây tổn thương cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về các hướng đi, biết cách chọn ngành, chọn nghề phù hợp với hoàn cảnh gia đình, năng lực và nguyện vọng của bản thân”, cô Hiếu chia sẻ.

Tại Trường THCS An Lạc (Bình Tân), nhằm giúp học sinh lựa chọn cơ hội phát triển bản thân sau tốt nghiệp THCS, nhà trường phối hợp với các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho cha mẹ học sinh cùng học sinh lựa chọn hướng đi tốt nhất sau tốt nghiệp THCS dựa trên năng lực và sở thích của các em.

Theo chia sẻ của thầy Phùng Minh Vương, hiệu trưởng Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân), chương trình GDPT 2018 đã đưa hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp là một nội dung bắt buộc trong kế hoạch dạy học của các nhà trường. Công tác phân luồng, hướng nghiệp ở cấp THCS được thực hiện từ lớp 6, đặc biệt được chú trọng ở lớp 9- năm học cuối cấp.

“Phân luồng, hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc ở cấp THCS. Trong đó có nhiều học sinh đã chủ động phân luồng sau THCS mà không tiếp tục học lên THPT. Riêng năm học 2021-2022, trường chúng tôi có khoảng gần 30% học sinh lớp 9 chọn phương án học nghề, các trường công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên,… thay vì tiếp tục học lên THPT”, thầy Vương chia sẻ.

ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM chia sẻ, đối với học sinh hệ 9+ học lên trung cấp, cao đẳng sẽ có nhiều cái lợi. Các em sẽ tiết kiệm thời gian vì theo hệ 9+ được học song song văn hóa và chương trình nghề nên chỉ trong 4 năm sẽ sở hữu bằng cao đẳng chính quy, có thể đi làm ngay theo ngạch Kỹ sư thực hành khi 19 tuổi.

Đồng thời vẫn được chứng nhận hoàn thành THPT và dự thi tốt nghiệp THPT, liên thông đại học và học lên sau đại học. Còn học thêm 3 năm để lấy bằng THPT, có nguyện vọng xét tuyển vào đại học thì ít nhất phải đến năm 22 tuổi mới ra trường. Học sinh cũng tiết kiệm được chi phí bởi theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, chính sách học phí cho học sinh học hệ phân luồng 9+ ngay sau tốt nghiệp THCS sẽ được hỗ trợ trong quá trình học nghề (3 năm) theo mức quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.