Song dù đi được già nửa chặng đường nhưng dường như công tác này chỉ ngành Giáo dục thực hiện.
Nhiều khó khăn, rào cản
Khẳng định, phân luồng học sinh từ THCS cần thiết và là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT viện dẫn: Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi tốt nghiệp THCS, phụ huynh nào cũng muốn con em mình vào học trường THPT công lập; trong khi chỉ tiêu của những trường này có hạn. Cùng đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, chất lượng giáo dục chưa tương xứng.
“Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh không mặn mà lựa chọn học trung tâm này cho chặng đường học tập tiếp theo”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho hay: Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp không được quan tâm đầu tư, thậm chí có trung tâm bị “bỏ rơi”. Cũng có địa phương quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết dạy – học và thực hành. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa tương thích với thực lực của giáo viên khiến nhiều thiết bị mua về nhưng không ra được lớp.
“Điều này trở thành rào cản khiến việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh THCS gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh, học sinh chưa đúng về phân luồng. Nhiều phụ huynh vẫn ép con phải vào học các trường THPT công lập bằng được. Và khi tư tưởng người dân không thông thì làm việc gì cũng khó”, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ.
Giờ học Vật lý của học sinh của Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng. Ảnh: Website của trung tâm. |
“Có thực mới vực được đạo”
Nhấn mạnh, mục tiêu của phân luồng là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, tuy nhiên theo ông Lê Tuấn Tứ, đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với công tác phân luồng còn chưa đầy đủ. Nhiều phụ huynh còn có tâm lý coi trọng bằng cấp.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp và phân luồng sau THCS của một số cơ sở giáo dục, đào tạo chưa sâu rộng, còn nhiều hạn chế và mang tính hình thức… Công tác tư vấn hướng nghiệp tại nhà trường mới dừng lại ở mức sơ bộ, chưa có tư vấn chuyên sâu...
Đáng nói, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở nhiều địa phương chưa tạo được sức hút với phụ huynh, học sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có yếu tố tâm lý, tư tưởng của phụ huynh. Mặt khác, sự quan tâm, đầu tư của các địa phương cho trung tâm này còn chưa đúng mức. Cũng có trung tâm ỷ lại vào “bao cấp” của Nhà nước nên ngại đổi mới, thiếu đầu tư về chuyên môn, học thuật.
Để công tác phân luồng hiệu quả, ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh, cần nhiều giải pháp đồng bộ và cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh; cần quan tâm đầu tư vật lực, nhân lực cho các trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm thu hút con em địa phương vào học. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thường xuyên; coi đây là phương châm, cách tiếp cận trong quá trình phát triển giáo dục. Từ đó, công tác phân luồng sẽ hiệu quả hơn.
Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm, “có thực mới vực được đạo”. Theo đó, các cơ sở giáo dục thường xuyên phải được đầu tư cả về cơ sở vật chất, tài chính và nhân sự, bởi nếu không “có thực” sẽ rất khó thực hiện chủ trương, chính sách về phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS.
Cho rằng, phải chuyên nghiệp hóa giáo dục thường xuyên, TS Nguyễn Vinh Hiển trao đổi, các cơ sở giáo dục thường xuyên phải thật sự đáp ứng nhu cầu đa dạng và thường xuyên thay đổi của người học. Chúng ta đã và đang tận dụng những người có nghề giáo dục chính quy sang làm giáo dục không chính quy. Không có trường lớp đào tạo hay tập huấn chuyên nghiệp cho nghề giáo dục không chính quy.
Nhiều người đang làm giáo dục không chính quy tự cho là mình không may mắn, nên không yên tâm với công việc hiện tại. Họ luôn ngó trước nhìn sau để tìm kiếm cơ hội chuyển sang làm giáo dục chính quy. Những người xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục không chính quy chỉ là nhờ tâm huyết, tự học, tự đào tạo nên số này không nhiều.
Trước thực trạng trên, các cơ sở đào tạo giáo viên cần có trách nhiệm nghiên cứu về khoa học, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của cơ sở giáo dục thường xuyên. Chúng ta cần có cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục thường xuyên luôn tìm việc để làm, không chờ cấp trên giao việc. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế để họ thực sự sống được bằng nghề.
Cũng theo TS Nguyễn Vinh Hiển, lâu nay chất lượng giáo dục thường xuyên vẫn bị đánh giá thấp. Do đó, cần khắc phục tình trạng này trong quá trình phát triển của giáo dục thường xuyên. Tính linh hoạt, mềm dẻo sẽ tạo cho giáo dục thường xuyên tận dụng được điều kiện và cơ hội phát triển, kể cả việc nó sẽ phù hợp và hỗ trợ cho giáo dục chính quy.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần quy hoạch lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo này phải được quan tâm, đầu tư nâng cấp trên nhiều phương diện: Tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự và cơ sở vật chất tương ứng với yêu cầu học tập của người dân trong giai đoạn tới.