Nghệ thuật ở đây, theo quan điểm của bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng là nghệ thuật từ trái tim đến với trái tim.
Cống hiến
Em Nguyễn Thuận Hưng (HS lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT Trần Phú - Hải Phòng), người vừa giành HCV Toán quốc tế 2019 cho biết: Em yêu môn Toán chỉ đơn giản vì em thấy quý thầy của em.
Người thầy mà Thuận Hưng nhắc đến là thầy giáo Lê Đức Thịnh, chủ nhiệm lớp chuyên Toán. Hưng cho biết, em có được kết quả như hôm nay là nhờ công lớn của thầy cô và nhà trường luôn tạo điều kiện cho em học tập một cách tốt nhất.
Đặc biệt là thầy Lê Đức Thịnh chủ nhiệm lớp chuyên Toán đã nhiệt tình trau dồi kiến thức cho em trong suốt quá trình thi học sinh giỏi thành phố đến quốc gia và quốc tế.
“Quá trình ôn thi đội tuyển, thầy Thịnh là người gần gũi em nhất. Không chỉ dạy kiến thức mà thầy còn dạy em nhiều kỹ năng trong kỳ thi và qua những câu chuyện đời thường, hai thầy trò thêm gắn bó. Ngày em lên Hà Nội ôn thi quốc tế, đích thân thầy Thịnh lặn lội lên Hà Nội kiểm tra chỗ ăn ở và củng cố lại kiến thức cho em. Thầy em ít nói nhưng rất chu đáo yêu thương học trò” - Hưng tâm sự.
Có lẽ, vì ảnh hưởng nhiều từ thầy dạy Toán và thích học Toán mà Hưng đã quyết định chọn học ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
“Em muốn sau này trở thành thầy giáo như thầy của em để được cống hiến cho trường, cho lớp và sẽ là người truyền lửa tình yêu Toán học cho lớp lớp học sinh”, Hưng chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp của thầy Thịnh và tập thể giáo viên Trường THPT Trần Phú, ngày 24/7, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định biểu dương và trao thưởng cho thầy và trò với tổng số tiền lên tới 900 triệu đồng.
Cái tâm của người thầy
Trong thời gian hơn 20 năm giảng dạy, nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Cao Minh Hà, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS An Đà (quận Ngô Quyền - Hải Phòng) luôn được học sinh yêu quý, lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp trân trọng và đánh giá cao về khả năng làm chủ nhiệm lớp.
Chia sẻ về cách giáo dục học sinh, cô Hà nói: Nghề giáo cần nhất là cái tâm. Có năng lực chuyên môn, dạy giỏi nhưng không thương trò, không tâm huyết với nghề thì không thể thành công.
Cô Hà nhớ lại năm học 2009 - 2010 khi mới làm công tác chủ nhiệm lớp 9D5, một lớp có nhiều học sinh nam cá biệt. Mọi phong trào của lớp đều đứng thứ 20/20 lớp trong toàn trường, khiến cô Hà không khỏi phân vân.
“Lúc đầu, tôi cũng rất ngại nhưng nghĩ thương trò, tôi hạ quyết tâm vực phong trào của lớp đi lên”, cô giáo Hà chia sẻ.
Để đưa học trò vào khuôn khổ, cô Hà mất rất nhiều thời gian và công sức. Cô bàn với cán bộ lớp đặt ra nhiều nội quy về học tập, phong trào, giờ giấc. Nhưng thời gian đầu, nhiều học sinh ngấm ngầm chống đối, thường xuyên dấu sổ đầu bài để cô không nắm được thông tin của lớp.
Thấy vậy, cô không trách mắng các em, mà bí mật tìm hiểu xem ngày hôm đó, ai trực nhật và cầm sổ đầu bài để gặp riêng em đó làm công tác tư tưởng. Lúc đầu, trò vẫn chống đối. Nhưng dùng biện pháp tâm lý “mưa dầm, thấm lâu”, cô Hà tác động dần đến từng HS cá biệt.
Cứ như vậy, học trò hiểu ra tấm lòng, tình cảm và sự tế nhị của cô, các em hợp tác xây dựng phong trào. Chỉ sau ba tháng, lớp cô Hà chủ nhiệm đã đứng thứ 7/20 lớp của trường.
Cô Hà cho biết: Làm giáo viên chủ nhiệm phải có “võ”. Võ ở đây không phải võ thuật, võ miệng mà là võ từ tâm.
“Thời gian làm công tác chủ nhiệm tôi nhớ nhất có lần, lớp thường xuyên mất đồ. Đỉnh điểm, một hôm cán bộ lớp báo với cô có bạn mất tiền đóng học. Tôi vội lên lớp, nhận thấy cách hành xử không bình thường của P., tôi đã xin giáo viên bộ môn 15 phút đầu giờ để cho học sinh ghi phiếu kín báo cáo cô về những bất thường trong lớp từ đầu giờ học. Từ tờ phiếu kín, tôi biết P. chính là thủ phạm.
Qua quan sát, tôi thấy chiếc áo mưa ở ngăn bàn P. gấp rất cẩn thận. Cuối giờ học, tôi khéo léo đề nghị P. cho mình mượn áo mưa mang về. Thấy sắc mặt em thay đổi, tôi vẫn cố tình mượn bằng được chiếc áo mưa đó.
Quả thật, P. đã giấu tiền trong áo mưa. Sau khi lấy tiền để trả lại học sinh bị mất, tôi gọi riêng phụ huynh và em P. để nhắc nhở khéo không để các bạn trong lớp biết. Từ đó, lớp học trở lại bình thường, P. thay đổi tính nết và học hành chăm ngoan”, cô Hà kể.
Cô giáo Cao Minh Hà cùng học trò. |
Phải có nghệ thuật
Trao đổi về vấn đề nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, bà Đỗ Thị Hòa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nêu quan điểm: Trước hết người giáo viên phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, rèn luyện bản thân. Từ lối sống, tác phong người thầy phải chuẩn mực. Giáo viên luôn phấn đấu là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
“Tuy nhiên, sản phẩm của giáo dục là những con người hoàn thiện về nhân cách nên đòi hỏi người giáo viên không chỉ có năng lực chuyên môn, tình yêu và nhiệt huyết với nghề mà cần phải có nghệ thuật giáo dục học trò. Nghệ thuật giáo dục học trò là vô cùng cần thiết”, bà Hòa khẳng định
Học trò không chỉ được lĩnh hội kiến thức qua một kênh duy nhất là sự truyền giảng của người thầy. Với các thiết bị điện tử thông minh học sinh có thể học mọi lúc mọi nơi. Chính vì thế, ngoài năng lực chuyên môn, tình yêu nghề đòi hỏi người thầy cần có nghệ thuật riêng. Nghệ thuật ở đây, theo quan điểm của bà Hòa là nghệ thuật từ trái tim đến với trái tim.
Nếu như thời đại công nghệ 4.0 có thể tạo ra robot để thay thế con người điều khiển máy móc. Nhưng robot không thể thay thế được vị trí và vai trò của người giáo viên. Bởi người giáo viên không chỉ dạy trò kiến thức mà còn dạy cách sống, dạy đạo đức, lối sống. Thầy cô là hình mẫu để học trò noi theo.
Quá trình đào tạo, người thầy được trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm giáo dục, luôn xây dựng những giá trị tích cực, biết trách phạt, khen thưởng rõ ràng sẽ giúp học sinh tiến bộ.
Bằng sự kiên trì, tình cảm, sự khéo léo, người thầy có thể biến một học sinh cá biệt, quậy phá thành ngoan hiền, một học sinh yếu kém thành khá, giỏi... Vì vậy, người giáo viên phải thường xuyên trau dồi, học hỏi và rèn luyện bản thân.
“Người giáo viên được ví như “tấm mút xốp” để thấm, ngấm những giá trị tinh hoa của nhân loại, từ đó truyền dạy cho học sinh của mình”, bà Hòa chia sẻ.