Nhớ như in tiết dạy đầu tiên

GD&TĐ - Đã hơn 20 năm trong nghề, trải qua biết bao thăng trầm của nghề giáo nhưng tôi vẫn luôn nhớ như in tiết dạy đầu tiên. Cảm xúc của ngày đầu tiên đi dạy ấy giống như lần đầu cầm bó hoa tươi đến nhà cô bạn gái mà mình thầm thương trộm nhớ bấy lâu, đầy hồi hộp và lo lắng…

Thầy Lâm Tuấn Phong là người biến những bức tường đơn điệu bao quanh trường học thành những bức tranh sinh động, sặc sỡ.
Thầy Lâm Tuấn Phong là người biến những bức tường đơn điệu bao quanh trường học thành những bức tranh sinh động, sặc sỡ.

Sáng hôm ấy, sau khi tôi gặp thầy hiệu trưởng thì trống vào tiết đã vang lên. Tôi rảo bước tới lớp 7C. Lớp nằm cuối tầng 2, đối diện cây si lớn dưới sân. Các học trò thấy tôi dừng lại trước của lớp thì nhao nhao hỏi. Cắt đứt những âm thanh ồn ào, cô bé lớp trưởng hô to: “Tất cả vào chỗ. Các bạn đứng! Nghiêm!”. Mấy chục cặp mắt tò mò và tinh nghịch đổ dồn về phía tôi. Hít một hơi thật sâu, tôi nói:

- Chào cả lớp, từ giờ thầy sẽ phụ trách môn Mĩ thuật của lớp ta. Bây giờ các con ngồi xuống, lấy giấy A4 và bút màu ra để học bài mới.

Cả lớp lộn xộn và ầm ĩ như chợ vỡ. Nhớ kinh nghiệm của các bậc tiền bối, tôi vớ cái thước gỗ đập mạnh xuống mặt bàn. Tiếng ồn ào lắng xuống. Tôi cầm phấn viết đầu bài, nét chữ hơi run run. Trống ngực đập mạnh, giọng nói của tôi đôi lúc ngắt quãng:

- Các em ạ… à quên các con, bài hôm nay là vẽ phong cảnh. Đây là thể loại quan trọng của hội họa. Nhiều họa sĩ nổi tiếng như Levitan, Aivazopki,...chỉ chuyên vẽ phong cảnh…

Tiếng ồn ào phía dưới lại nổi lên. Một số học trò bắt đầu quậy phá. Tôi lại vớ cái thước gỗ “bảo bối” và gõ mạnh xuống mặt bàn. Nhưng chỉ được một lúc.Sao thế nhỉ? Mình giảng bài rất kĩ kia mà. Hay mình nói nhiều quá mà ngôn ngữ của Hội họa là đường nét và màu sắc chứ không phải lời nói. Nghĩ vậy, tôi liền nói to:

- Các con yên lặng để thầy vẽ mẫu lên bảng! Ai mất trật tự sẽ bị phạt.

Học trò bao giờ cũng thích giáo viên làm hơn là nói. Không còn những âm thanh mất trật tự nữa. Tôi cầm viên phấn màu hí hoáy vẽ. Có tiếng xuýt xoa. Tôi lấy làm ưng ý, chăm chú vẽ thật nắn nót. Bỗng có vật gì bắn mạnh vào lưng tôi, ran rát. Tiếng cười ré lên. Tôi quay lại. Một miếng giấy gấp hình chữ V nằm ngay dưới chân. Đạn giấy. Tôi sững sờ vì mình vừa trở thành mục tiêu của một học trò nào đó. Tức giận vì bị xúc phạm, tôi quát to:

- Ai đã làm việc này? Không thể chấp nhận được. Tôi sẽ báo Ban giám hiệu kỉ luật nặng!

Cả lớp im phăng phắc, những ánh mắt học trò ngơ ngác, lo sợ. Tôi gằn giọng:

- Bạn nào trót nghịch thì đứng lên nhận lỗi ngay! Nếu không tôi sẽ ghi vào sổ ghi đầu bài và báo Ban giám hiệu.

Vẫn không có kết quả. Tôi đưa mắt nhìn quanh một lượt. Cái gì kia? Tay một học sinh trong cùng có cầm cái chun. Tôi nghiêm mặt:

- Bạn kia đứng lên! Có đúng là con đã bắn đạn giấy không? Trả lời ngay!

Cậu học trò cao gầy, ngăm đen, áo trắng lấm lem, khăn quàng đỏ nhàu nát, rụt rè đứng lên và yên lặng cúi đầu. Tôi không giấu được sự tức giận:

- Con tên là gì? Con cầm cái chun để làm gì? Nhận lỗi ngay!

Khuôn mặt già hơn so với tuổi nhưng đôi mắt non nớt hoảng sợ, cậu học trò lí nhí trong miệng:

- Con là… Vũ Đăng Thành… Con nhỡ tay… Con xin lỗi thầy.

- Được, nhận lỗi là tốt. Tôi sẽ không trừ điểm thi đua của lớp. Nhưng Thành phải viết bản kiểm điểm ngay. Những bạn khác hoàn thành bài vẽ.

Thầy trò Trường THCS Giảng Võ những ngày đầu chuyển về trường mới
Thầy trò Trường THCS Giảng Võ những ngày đầu chuyển về trường mới 

Tiết học lại tiếp tục, nặng nề và buồn bã. Trống báo hết giờ, tôi vào phòng Hội đồng. Thấy các cô giáo đang ngồi nói chuyện, tôi hỏi:

- Chào các cô. Cho em hỏi ai là Giáo viên chủ nhiệm lớp 7C ạ?

Một cô giáo đứng tuổi có gương mặt khắc khổ nói:

- Chào thầy. Tôi là Thàn, chủ nhiệm lớp 7C. Có chuyện gì thế thầy?

- Cháu là giáo viên Mĩ thuật mới về trường. Tiết học vừa rồi cháu dạy lớp cô và thấy có hiện tượng rất đáng buồn… Đây, mời cô xem bản kiểm điểm của học sinh này.

Đeo cặp kính vào và nhìn qua, cô Thàn tỏ vẻ lo lắng:

- Chẳng ngờ nó lại hư đến vậy. Cô sẽ xử lí ngay bây giờ. Cuối giờ cháu đợi cô ở đây nhé.

Trống báo vào tiết, mọi người tiếp tục lên lớp, còn mình tôi ngồi trong phòng. Tâm trạng đã nhẹ bớt, tôi suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra. Phải chăng cách tổ chức giờ học của mình không ổn? Tôi nhớ lại khuôn mặt và ánh mắt của cậu học trò “thủ phạm”. Hình như có gì không đúng. Từ chỗ học sinh đó đến bảng khá xa. Đạn giấy có bắn đến thì cũng không thể mạnh như vậy. Người bắn chắc phải ngồi rất gần, lưng mình đau rát kia mà. Nhưng tại sao trò đó lại nhận lỗi?

Một hồi trống dài báo hiệu tan học. Cô Thàn gặp tôi, nói:

- Cháu ơi, cô đã tìm ra thủ phạm rồi. Đây là bản tường trình của lớp. Cháu đọc rồi cho cô xin ý kiến nhé.

Tôi cầm tờ giấy. Nét chữ con gái thanh thanh, viết hơi nghiêng: “Con thưa thầy, con là Nguyễn Mỹ Lệ- lớp trưởng lớp 7C. Hôm nay trong giờ Họa, một số bạn đã mất trật tự và có bạn bắn đạn giấy vào thầy. Nhưng bạn Đăng Thành không phải là người bắn. Bạn ấy chỉ lấy cái chun buộc tóc của con để trêu con. Người bắn là bạn Đình Tùng ở bàn đầu. Chúng con đã họp lớp và phê bình bạn ấy. Chúng con thành thật xin lỗi thầy và xin hứa từ nay sẽ học thật tốt môn Họa của thầy!”

Tôi vẫn còn bực mình:

- Cô ơi, cháu nghĩ là phải mời bố mẹ Đình Tùng đến, phải phạt thật nghiêm.

Cô Thàn nói, giọng chùng xuống:

- Cô đã gọi Tùng ra ngoài. Nó sợ tái mặt, mếu máo khóc. Nó bảo định bắn sang cạnh bảng để trêu thầy nhưng không may trúng vào thầy. Lúc đó nó cũng muốn đứng lên nhận lỗi nhưng thấy thầy giận nên sợ quá. Cô sẽ trao đổi cụ thể với phụ huynh. Thay mặt phụ huynh Đình Tùng, cô xin lỗi cháu vì đã để xảy ra vụ việc này.

- Cô ơi, thế tại sao Đăng Thành lại nhận lỗi ạ?

- Đăng Thành là học sinh kém, nhà nghèo, bố đau ốm liên miên. Nó thiếu người chăm sóc, dạy dỗ nhưng không phải là học sinh cá biệt. Nó nói với cô rằng thầy hứa không trừ điểm thi đua của lớp nếu nhận tội, mà không thấy bạn nào nhận nên nó đứng lên nhận thay.

Tôi ngỡ ngàng. Có cái gì đó nhói lên trong lòng…

Vài hôm sau, thầy hiệu trưởng Nguyễn Thế Đại nói với tôi:

- Anh chưa dự giờ của cậu nhưng đã đứng ngoài quan sát một lúc. Nhìn chung cậu có chuyên môn vững, nhiệt tình. Tuy nhiên cần đơn giản hóa kiến thức cho phù hợp với nhận thức của học sinh để chúng nghe là hiểu ngay, làm được ngay. Cứ như vậy thì anh tin là cậu nhất định sẽ trở thành giáo viên giỏi.

Rồi thầy vỗ vai tôi, cười hiền hậu. Dưới sân trường, nụ cười của những học trò lấp lánh trong ánh nắng thu vàng rực rỡ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.