Cô Lê Thị Thơ - GV Trường THPT Chúc Động (Chương Mỹ, Hà Nội): Sử dụng mạng xã hội để dạy - học Tiếng Anh
Năm 2014, khi mới về công tác, cô Thơ nhận thấy trường vẫn còn nhiều khó khăn, HS học Tiếng Anh còn kém và thiếu động lực. Khi đó, cô tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hết mình để HS của trường không phải là “vùng trũng” về tiếng Anh của Hà Nội.
Cô chủ động đề xuất với Ban Giám hiệu thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh YOLO. Đến nay, câu lạc bộ của trường hoạt động ổn định, sáng tạo, hiệu quả với sự tham gia của Ban Giám hiệu và đông đảo GV, HS.
Câu lạc bộ đã phối hợp với tổ Ngoại ngữ tổ chức thành công chương trình ngoại khóa chào mừng năm mới “New Year-New Learning Style”; chương trình “Gặp gỡ tháng 9” đầy ý nghĩa, với sự tham gia của các cựu HS có thành tích học tập tốt, đang học tại các trường đại học uy tín về chia sẻ kinh nghiệm học tập và truyền lửa cho các em khóa sau.
Ngoài ra, cô luôn khuyến khích HS sử dụng máy tính của thư viện trường để tra cứu thông tin, chuẩn bị Powerpoints, trò chơi, hoạt động cho các giờ thuyết trình. Cô cũng tận dụng tối đa sức mạnh của Facebook, Zalo và các mạng xã hội để xây dựng các hoạt động học tập bổ ích và lý thú cho HS.
Sau hai năm giảng dạy bộ sách giáo khoa Tiếng Anh mới, cô nhận thấy việc đào tạo HS khối 10 làm quen với cách học sáng tạo của sách mới, đặc biệt, phần Project mất rất nhiều thời gian và công sức.
Trong khi đó, HS khối 11, sau một năm được cô hướng dẫn đã thay đổi tích cực. Từ thực tế này, cô có sáng kiến “Hợp tác liên khối giữa HS nhằm nâng cao hiệu quả bài thuyết trình trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Anh mới”. Cụ thể: Mỗi nhóm HS khối 11 trợ giúp một nhóm HS khối 10 hoàn thành bài thuyết trình dưới sự giám sát của GV.
Tổ chuyên môn và hội đồng sư phạm nhà trường đã tham dự một tiết học minh chứng của sáng kiến này. Mọi người đều ngạc nhiên trước những thành quả mà HS làm được, từ sự trợ giúp lẫn nhau như: HS năng động, chủ động hơn trong việc lĩnh hội kiến thức, khả năng Tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình và các kỹ năng mềm khác được cải thiện rõ rệt, môi trường học tập thân thiện; đặc biệt là tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức của GV. Sáng kiến này đã được Sở GD&ĐT Hà Nội xét công nhận xếp loại B năm học 2018 - 2019.
Được biết, cô Thơ còn có nhiều năm dạy bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo miễn phí HS yếu kém. Đối với học trò, cô Thơ không chỉ là tấm gương về trí tuệ, sự sáng tạo và tâm huyết, mà còn thắp lên niềm tin cho các em trong học môn Tiếng Anh.
Cô Phùng Hồng Điệp - GV Trường THCS Ngô Quyền (Sơn Tây, Hà Nội): Để HS yêu thích tiếng Anh một cách tự nguyện
Để tạo hứng thú trong giờ học Tiếng Anh, cô Điệp luôn tìm tòi các phương pháp dạy học mới để các em dễ hiểu bài và phát huy được tính tích cực, sáng tạo. Cùng một vấn đề nhưng cô luôn chọn phương pháp đơn giản, dễ hiểu nhất để truyền đạt cho HS, giúp các em khắc sâu nội dung kiến thức bài học.
Làm sao thu hút HS vào các hoạt động học tập để các em yêu thích Tiếng Anh một cách tự nguyện là trăn trở của cô Điệp. Do vậy, mỗi khi soạn bài, cô luôn nghiên cứu, bàn bạc cùng đồng nghiệp để tìm ra cách truyền đạt, phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất đối với HS.
Cô cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn bài và giảng bài. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của HS. Cô cũng sử dụng thành thạo các file trình chiếu trên Powerpoint để phục vụ công tác giảng dạy. Hơn 90% các giờ dạy trên lớp của cô Điệp được sử dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
Cô luôn đề cao tính tự học của tất cả các đối tượng và bài giảng điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của HS. “Phương pháp tạo điều kiện để người học có thể tự học ở các thời điểm khác nhau, không bị ràng buộc về không gian, thời gian cũng như hoàn cảnh khác nhau” - cô Điệp trao đổi.
Năm học 2018 - 2019, cô Điệp được phân công bồi dưỡng HS giỏi môn Tiếng Anh lớp 9. Kết quả, đội tuyển HS giỏi môn Tiếng Anh của trường do cô phụ trách đoạt thành tích cao, với 1 HS đoạt giải Ba cấp thành phố, 1 HS đoạt giải Ba cấp thị xã và 2 HS đạt danh hiệu HS giỏi cấp thị xã.
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm, cô Điệp bật mí: GV cần biết kiên nhẫn, thông cảm với mỗi hoàn cảnh của HS và dạy học bằng trái tim nhân hậu của mình. Trong mọi hoạt động, GV phải là tấm gương cho HS noi theo và biểu dương, khen thưởng HS đúng lúc, đúng chỗ.