Nỗ lực của thầy, trò vùng lũ Sa Ná

Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp quay trở lại điểm trường Son - Sa Ná (thuộc Trường Tiểu học Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - một trong điểm trường bị cuốn trôi hoàn toàn sau trận lũ kinh hoàng hồi đầu tháng 8/2019. Trận lũ khiến 23 nhà bị nước cuốn trôi, 11 nhà bị sập, 13 người chết và mất tích.

Lực lượng vũ trang tham gia sửa chữa điểm trường tiểu học Son - Sa Ná để kịp đón học sinh đến trường trong năm học mới, tháng 8/2019. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN
Lực lượng vũ trang tham gia sửa chữa điểm trường tiểu học Son - Sa Ná để kịp đón học sinh đến trường trong năm học mới, tháng 8/2019. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Hơn 3 tháng qua, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, nỗ lực từng ngày để mang “con chữ” đến với học sinh vùng cao Sa Ná.

Theo chân thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, chúng tôi quay trở lại điểm trường tiểu học Son - Sa Ná cũ, dấu tích còn lại sau khi cơn lũ dữ đi qua chỉ còn là bãi đất với ngổn ngang gạch đá. Tất cả đã bị dòng nước lũ san phẳng gần như hoàn toàn.

Xót xa khi nhìn ngôi trường nhỏ thân yêu sau nhiều năm gắn bó, nay chỉ là đống hoang tàn, đổ nát, thầy Thành cho biết: điểm trường khu Son - Sa Ná, thuộc Trường Tiểu học xã Na Mèo trước đây là nơi học tập của 71 học sinh ở cả 2 bản. Cơn lũ ngày 3/8 vừa qua đã cuốn trôi và xóa sổ hoàn toàn điểm trường.

Cùng với những thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, nhà trường cũng chịu nhiều mất mát về người. Một giáo viên của trường có con trai 7 tháng tuổi bị nước cuốn mất tích, chồng bị thương nặng hiện vẫn đang điều trị tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhà trường cũng có 3 em học sinh bị lũ cuốn trôi, trong đó mới tìm thấy thi thể 2 em, hiện vẫn còn 1 học sinh lớp 2 là em Hà Văn Chấn chưa tìm thấy.

Mặc dù chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng thầy và trò tại điểm trường Son - Sa Ná vẫn nỗ lực từng ngày để hoàn thành chương trình giáo dục năm học 2019-2020.

Cô giáo Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên chủ nhiệm lớp 2, điểm trường Tiểu học Son - Sa Ná nghẹn ngào cho biết: Cơn lũ đi qua đã cuốn trôi hoàn toàn căn nhà cùng tài sản của gia đình. Hai vợ chồng cô cùng con gái 4 tuổi may mắn thoát chết, tuy nhiên, di chứng để lại đối với chồng cô giáo rất nặng nề. Anh bị gãy xương sườn, dập phổi, lách, tụy nên phải điều trị tích cực thời gian dài. Đau xót nhất là đứa con trai vừa tròn 7 tháng tuổi của cô giáo đã bị dòng nước lũ cuốn trôi trong nỗi tuyệt vọng của gia đình.

Mặc dù chịu nhiều mất mát đau thương, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Tiếm vẫn nỗ lực vượt qua để “bám lớp”, “bám trường”, động viên học sinh ra lớp đều để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục năm học 2019-2020.

Cô cho biết dự kiến, cuối tháng 11/2018, gia đình sẽ được chuyển về nơi ở mới do địa phương bố trí tại đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách nơi ở cũ chừng 1 km. Với căn nhà mới kiên cố, khang trang, sẽ là động lực để gia đình sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở bản vùng cao này.

Thầy Hà Văn Súa, trưởng điểm trường Sa Ná chia sẻ: Những tháng đầu, các em học sinh còn ám ảnh về trận lũ, mỗi khi trời mưa đến là các em sợ hãi không dám đi học. Các thầy cô chúng tôi phải xuống tận nhà các em để động viên gia đình. Đến nay, các em đã ổn định tinh thần và đến lớp đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay các em học sinh tại bản Son đến điểm trường phải đi quan suối Son.

Cơn lũ vừa qua đã cuốn trôi công trình đập tràn suối Son, hiện nay chính quyền bắc cống tạm cho các em đi qua. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì cống tạm cũng chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại vào mùa khô, mùa mưa sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Mong muốn chính quyền sớm bố trí xây dựng cây cầu nhỏ kiên cố bắc qua suối Son để bà con dân bản và các em học sinh đi lại được an toàn, nhất là vào mùa mưa bão.

Để kịp thời có nơi tổ chức dạy học cho học sinh, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kêu gọi hỗ trợ, gấp rút thực hiện lắp ghép 4 phòng học cho học sinh tiểu học điểm Son - Sa Ná; sửa chữa lại điểm trường mầm non và đã hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới. Hiện tại, cả 4 phòng học đã được đưa vào sử dụng. Nhà trường cũng đưa bàn ghế, sách vở, đổ dùng học tập do một số nhà hảo tâm tài trợ vào phục vụ việc học tập cho các em.

Song song với đó, hai điểm trường mới cho học sinh tiểu học và mầm non của khu Son, Sa Ná đã được huyện xây dựng mới ở khu tái định cư thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1 km. Dự kiến đầu học kỳ 2, trường mới sẽ hoàn thiện và đón học sinh vào học.

Không còn cảnh hoang tàn, ngổn ngang đổ nát cách đây hơn 3 tháng khi cơn lũ dữ quét qua, với sự chung tay tay của toàn xã hội, sự quan tâm của chính quyền địa phương, Sa Ná hôm nay đang dần “hồi sinh”. Con đường vào Sa Ná đã được làm mới để xe chở vật liệu thi công ra vào. Dòng suối Son những ngày này chẳng còn dữ dội nữa, nó đang dần bình yên trở lại cùng người dân nơi đây.

Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự động viên, chung tay giúp sức của toàn xã hội, sẽ tiếp thêm động lực để bà con Sa Ná, trong đó có những thầy, cô giáo đang kiên trì “cắm bản” có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở bản vùng cao còn nhiều khó khăn này…

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.