Từ sự tò mò trước cái tên dự án hơi “quái lạ” của anh chàng sáng lập viên Võ Văn Cường (trường ĐH Kinh tế TP. HCM), nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu và cùng chung tay dọn rác.
Nhóm “Nhặt rác Sài Gòn” hoạt động từ 8h30 đến 9h30 sáng Chủ Nhật hằng tuần, tại công viên 30/4 hoặc trường ĐH Nông Lâm TP. HCM.
Sắp tới, nhóm sẽ mở rộng đến các trường đại học, cao đẳng để phổ biến thông điệp tích cực của dự án đến đông đảo các bạn sinh viên.
Nghĩ lớn hơn việc nhặt rác
Dự án “Nhặt rác Sài Gòn” theo chủ trương hướng đến “3 không”. Đó là 3 thông điệp: “Không cần” (không vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích cộng đồng), “không dám” (sao cho mỗi người không dám xả bừa bãi), “không muốn” (mọi người không muốn làm bẩn những không gian công cộng).
Ngọc Anh (trường ĐH Tài chính – Marketing) chia sẻ: “Khi tham gia dự án này, mình cảm thấy hài lòng vì học được cách dẹp lại cái tôi quá lớn của bản thân.
Khi mình cúi xuống dưới chân người khác để nhặt rác, mình thấy có nhiều bạn nhìn mình với ánh mắt rất kỳ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn thân thiện hỏi han. Từ đó, mình có thể chia sẻ về dự án”.
Quốc Thái (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) kể: “Một lần, mình thấy hai cha con đang đi trên đường. Đứa con nghe lời người cha vứt ly nước vừa mới uống xong xuống đường, vô tình vứt trúng mình. Mình không buồn vì ly nước trúng người mà buồn vì người cha đã hướng dẫn đứa con làm một hành động thiếu ý thức.
Mình đã cúi xuống, nhặt chai nước đó. Vẻ mặt hối hận của hai cha con cho thấy mình đã quyết định đúng khi tham gia dự án”.
Đạt Nhân cho biết thêm: “Sắp tới, nhóm dự định đề xuất Sở Tài nguyên – Môi trường TP. HCM đặt thêm thùng rác ở tuyến đường xung quanh nhà thờ Đức Bà để mọi người tiện bỏ rác.
Cuối cùng, dù các bạn trong nhóm có tiếp tục với dự án hay không thì hy vọng, việc bỏ rác đúng nơi quy định đã trở thành một thói quen lan tỏa trong cộng đồng”.