Bước vào năm học 2021-2022, nhiều xã trên địa bàn huyện K"bang (tỉnh Gia Lai) được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn khi đạt Nông thôn mới. Trước thực trạng này, nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Điều này khiến không ít giáo viên lo lắng về việc duy trì sĩ số học sinh đến trường.
Thầy Phan Danh - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Krong (huyện K"bang) cho biết, năm học 2020-2021 nhà trường có tổng cộng 163 em học sinh có chế độ bán trú. Tuy nhiên, đầu năm học 2021-2022 có 56 em không còn được hưởng chế độ bán trú như trước.
Theo thầy Danh, các em học sinh của trường đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em nhà cách trung tâm hơn 10km. Do đó, nếu không còn chế độ bán trú thì có khả năng các em sẽ "ngại" đến trường.
Đặc biệt theo thầy Danh, mặc dù năm học mới đã bắt đầu được hơn một tuần nhưng nhiều chỗ ngồi trên lớp đang còn trống học sinh. Chính vì vậy, giáo viên phải phân công, chia nhau đến các thôn, làng để “kéo” học trò ra lớp. Nhiều em học sinh theo bố mẹ lên nương rẫy, giáo viên phải lội đồi, vượt suối với hy vọng đưa được trò đến trường học con chữ.
Anh Đinh Đăm (SN 1992, làng Đắk Pót, xã Krong) có 2 con. Trong đó, con đầu là Đinh Hợi (học sinh lớp 9) và Đinh Thị Tuyết (lớp 3). Nhà anh Đinh Đăm cách trường 2 con theo học khoảng 15km. Do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng anh Đinh Đăm quần quật làm nương rẫy, có khi cả nửa tháng mới về nhà. Còn Đinh Hợi và Đinh Thị Tuyết có chế độ bán trú ở trường nên được các thầy cô quan tâm dạy học, lo chỗ ăn ở. Thế nhưng năm học 2021-2022, 2 em không còn được hưởng chế độ bán trú. Chính vì vậy, cuộc sống gia đình anh Đinh Đăm dường như bị đảo lộn.
“Những năm trước vợ chồng mình làm và ở lại nương rẫy có khi cả tháng mới về nhà 1 lần. Còn các con có chế độ bán trú nên vợ chồng gửi gắm cho thầy cô. Nhưng năm nay mình nghe tin các con không còn chế độ này nữa nên gia đình rất lo lắng. Bởi 2 vợ chồng làm xa nhà nên không thể đưa đón, nếu nghỉ làm thì lấy gì nuôi mấy miệng ăn. Nhà cách trường hơn 10km nên các con cũng không thể đi bộ đến trường rồi về hàng ngày”, anh Đinh Đăm nói.
Ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện K"bang cho biết, việc các em học sinh không còn được nhận chế độ bán trú gây khó khăn không nhỏ cho Hiệu trưởng các trường. Bởi nếu Hiệu trưởng đúng theo chức trách, nhiệm vụ thì các em không có chế độ sẽ không được nuôi dạy ở trường bán trú.
Theo ông Hải, hiện tại đơn vị đã đề xuất lên UBND huyện về việc tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các em học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú. Hiện tại, các trường vẫn đang tự xoay sở nhằm tạo điều kiện cho học sinh không còn chế độ tiếp tục được ở bán trú để giữ chân trò đến lớp.