Huy động nguồn lực hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Đối với các trường vùng khó khăn, đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh là vấn đề đặt ra hàng năm. Mỗi địa phương, mỗi nhà trường đều xây dựng phương án chuẩn bị cụ thể để bảo đảm tốt nhất nhu cầu SGK.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: ITN)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: ITN)

Nỗ lực để trò không phải “học chay”

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum chia sẻ: Phong trào "Tủ sách dùng chung" cơ bản giải quyết được vấn đề thiếu SGK ở nội bộ các trường học. Đối với những trường có nhiều em khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thì phong trào này vẫn được duy trì và phát triển qua nhiều năm. Theo đó, các đầu sách của "Tủ sách dùng chung" luôn ổn định và thường xuyên được cập nhật, bổ sung hàng năm. Hiện tại phong trào này được triển khai rộng rãi tại các trường và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, đảm bảo đủ SGK cho các em khó khăn trong năm học mới.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Vinh: Sở GD&ĐT thường xuyên đôn đốc các trường trực thuộc, các phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi các đơn vị tổ chức Chương trình “Sách cũ cho năm học mới”. Kết quả từ Chương trình phải đảm bảo điều phối giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ngay trong trường, trong lớp, trên địa bàn. Sau đó phân phối sách giáo khoa huy động được từ vùng thuận lợi đến các vùng khó khăn thuộc đơn vị quản lý và phân bổ cho các địa bàn khác. Số liệu cụ thể việc thu gom và điều phối được các đơn vị báo cáo trực tuyến và cập nhật thường xuyên trên hệ thống quản lý của Ngành.

Để phong trào thiết thực, đi vào chiều sâu và lan tỏa trong những năm học tiếp theo, đảm bảo phù hợp với tình hình, Sở GD&ĐT giữ vai trò kết nối, tạo dựng mô hình, tổng hợp thông tin, kết quả và có những hình thức để ghi nhận kết quả của Chương trình.

Song song đó, Sở cũng đã thành lập Tổ tình nguyện, kết nối nguồn lực xã hội và chỉ đạo các cơ sở tham mưu UBND cấp huyện về việc thành lập và giao nhiệm vụ cho Tổ tình nguyện tại các xã nhằm tiếp tục giữ mối liên hệ, tiếp nhận ghi nhận đóng góp của các cá nhân, nhà trường, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với Chương trình “Điều ước cho em em”, “Sách cũ cho năm học mới”, cũng như sẽ triển khai những chương trình ý nghĩa khác.

Trăn trở với vấn đề SGK, thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cho biết: Nếu bước vào năm học mới mà SGK vẫn chưa đủ để mỗi học sinh có riêng 1 bộ thì nhà trường sẽ cân đối SGK cũ ở các điểm trường và trường chính sao cho các lớp có đủ SGK để học. Việc 2 học sinh cùng bàn dùng chung 1 bộ SGK cũng được đặt ra... Việc bổ sung SGK cũ sẽ diễn ra trong suốt năm học chứ không dừng lại ở đầu năm. Tuy nhiên, khó khăn thế nào thì nhà trường cũng cố gắng để học sinh các điểm trường đều có sách và không phải học chay.  

Ảnh minh hoạ. (nguồn: ITN).
Ảnh minh hoạ. (nguồn: ITN).

Cần sự chung tay hỗ trợ trò nghèo

Để có đủ SGK cho học sinh trong năm học mới, ngoài việc vận động các nguồn tại chỗ như: Tủ sách dùng chung, sách cũ cho năm học mới, các trường còn huy động nhiều kênh khác như xin hỗ trợ từ các nguồn lực địa phương, các tổ chức từ thiện từ các địa phương khác.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho hay: Với địa bàn vùng núi cao các điều kiện còn khó khăn, đối với việc mua sắm SGK, phải huy động từ phụ huynh, địa phương và các cơ quan ban ngành đều vào cuộc để phấn đấu tất cả các học sinh đều có đầy đủ SGK để học tập.

Còn thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang chia sẻ: Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giáo viên rất mong muốn sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, nhà tài trợ cho học sinh vùng cao, khó khăn về SGK, đồ dùng học tập, nhiều và kịp thời hơn nữa. Đây là những điều kiện cần thiết để thầy cô và học sinh vững vàng, tự tin bước vào năm học mới và nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Mỗi sự giúp đỡ, hỗ trợ học sinh dù nhỏ nhất cũng được nhà trường trân trọng và có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. 

Chia sẻ kinh nghiệm của Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, thầy Hiệu trưởng Dương Văn Đông cho biết: Hằng năm nhà trường phối kết hợp với cấp ủy Đảng vận động cán bộ công chức, viên chức hỗ trợ học sinh SGK, bút, vở viết... Tuy nhiên số lượng có hạn, khắc phục phần nào sự thiếu thốn. Đời sống của thầy cô vùng cao nói riêng và người dân địa phương nói chung còn khó khăn, sự hỗ trợ cũng không thể thường xuyên, kịp thời.

Ngoài ra nhà trường đã và vẫn đang tích cực huy động các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân mọi nơi và thông qua các nhóm hội từ thiện trên zalo, facebook... để ủng hộ SGK, đồ dùng học tập. Đôi khi việc hỗ trợ không thể đến kịp đầu năm học mới nhưng vào giữa học kỳ hay đầu năm mới... nhận được sự hỗ trợ thì nhà trường lại tiếp tục bổ sung vật dụng học tập cơ bản trong suốt năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.