Nuôi ước mơ trong bóng tối!
Lê Hương Giang sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu - trường hòa nhập cho trẻ khiếm thị. Đối với Giang đó là may mắn khi được nhận sự trợ giúp tốt nhất với người khuyết tật ở Việt Nam trong thời điểm đó.
Nhưng nếu ai đó hỏi “Con mơ ước sau này làm nghề gì?” thì cô gái ấy lại không trả lời được. Vì với Hương Giang ngày còn nhỏ, thế giới của cô chỉ là gia đình và trường học. Việc không có trải nghiệm về cuộc sống xung quanh khiến cô không đặt mục tiêu gì rõ ràng cho tương lai.
Kết thúc năm học THCS, nhìn những bạn học khá trong lớp phải nghỉ học do phụ huynh không tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho người khuyết tật theo con đường học vấn; Những người bạn của cô từng cùng ngồi trên dãy hành lang kể cho nhau nghe về giấc mơ làm giáo viên, luật sư, họa sĩ… giờ bỏ cuộc, cô gái ấy đã phấn đấu trở thành chuyên gia tâm lý để mong gạt bỏ những rào cản đó.
Ngày một mình cầm giấy nhập học trên sân Trường ĐH KHXH &NV, Hương Giang biết, tương lai đang mở ra trước mắt và ước mơ sẽ có ngày thành hiện thực. Trước đó, Giang đã giành giải 3 quốc gia trong Hội thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh THPT Intel ISEF nên được tuyển thẳng vào ĐH.
Năm 9 tuổi, Giang có cơ hội được sang Thụy Điển giao lưu nghệ thuật.
“Lần đầu tiên tôi phát hiện chữ nổi có thể in được lên phím bấm trong thang máy, cột đèn có thể cài chuông để phân biệt đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường, các tòa nhà đều có đường dốc cho xe lăn… và một tối ghé qua thư viện ở ngôi làng nhỏ tôi như đắm chìm trong không gian cổ tích khi xung quanh mình là những cuốn sách chữ nổi có in hình 3D được đặt cùng với sách chữ sáng. Lúc đó, tôi đã nghĩ thì ra cuộc sống của người khuyết tật có thể trở nên thuận lợi, chủ động và tốt đẹp đến vậy” - Giang chia sẻ.
Công việc không chỉ là đam mê mà còn để kiếm sống!
Những tưởng cuộc sống của cô gái trẻ này sẽ gặp muôn và khó khăn, đặc biệt là công việc làm MC trên truyền hình.
Nhưng Giang lại rất tự tin và yêu nghề, cô nói: “Hiện nay với sự phát triển của công nghệ nên cuộc sống của người khiếm thị cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Ví dụ như máy tính và điện thoại đều có phần mềm hỗ trợ đọc màn hình vì vậy chúng em sử dụng gần như không có gì khác biệt với người mắt sáng. Nó hỗ trợ đắc lực trong việc đi lại khi mà em có thể đặt xe ôm qua các ứng dụng trên điện thoại không cần người chở đi nữa. Em có thể học tập và làm việc thông qua máy tính đặc biệt khi dẫn chương trình, em có thể đọc kịch bản trực tiếp trên máy tính”.
Là MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam nên khi đi dẫn chương trình, Giang và các anh chị trong ekip phải tìm cách để làm quen với nhau.
“Trong công việc em đã được các anh chị hỗ trợ rất nhiều đặc biệt là chúng em tìm ra những phương thức riêng để làm việc. Ví dụ để xác định vị trí máy quay thì chú quay phim đã nghĩ ra cách búng hoặc vỗ tay để em có thể nhìn đúng về hướng đó.
Khi dẫn bản tin trực tiếp có thể em không nhìn thấy phóng sự đang phát trên màn hình đã chạy đến đâu nên chú đạo diễn hoặc các anh chị biên tập viên sẽ đếm ngược để em bắt đầu vào lời dẫn của mình. Nếu đi dẫn ngoài hiện trường các anh chị sẽ cho em đi thử một hai lần để có cảm giác với không gian mới rồi sau đó em có thể tự đi và làm được” - Giang chia sẻ.
Trong mọi công việc, cô gái sinh năm 1995 này có thể hoàn thành nhiệm vụ như những người bình thường khác. Thậm chí, Giang còn là người truyền lửa cho ekip vì luôn có năng lượng tích cực và sự tự tin, ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề của tuổi trẻ.
Giang cho biết, sắp tới, cô sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để “lên sóng” thường xuyên và nhận các chương trình đa dạng, không chỉ các chương trình với chủ đề liên quan đến người khuyết tật.
“Với em dẫn chương trình không chỉ là một niềm đam mê mà nó còn là một công việc nghiêm túc để kiếm sống. Em rất vui bởi trong những bước đi đầu tiên của mình đã gặp được những cộng sự rất nhiệt tình. Họ cùng em tìm ra phương pháp làm việc và điều quan trọng nhất là các anh chị ấy đã trao cho em cơ hội để được cố gắng hoàn thành những mục tiêu của mình” – Giang nói.