“Xây” tương lai cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Gần 10 năm qua, với tấm lòng nhân ái, bác sĩ Nguyễn Khắc Đát đã tận tâm truyền đạt phương pháp chữa bệnh bằng tác động cột sống hoàn toàn miễn phí cho nhiều người. Qua lớp đào tạo của ông, nhiều mảnh đời bất hạnh đã “xây” được tương lai…

Bác sĩ Nguyễn Khắc Đát chỉ dẫn các thao tác cho HS khiếm thị của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Đát chỉ dẫn các thao tác cho HS khiếm thị của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Lớp học miễn phí

Chúng tôi gặp bác sĩ Đát tại lớp học chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống cho HS khiếm thị ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Lớp học với gần 20 học viên, ngoài các bạn HS, nguyên HS của trường còn có các em khiếm thị đến từ Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang...

Trong lớp, các học viên khiếm thị được xếp xen kẽ với những bạn mắt sáng thành một vòng khép kín. Với cách sắp xếp này, học viên mắt sáng sẽ hỗ trợ thầy để truyền đạt kiến thức cho các bạn khiếm thị.

Theo bác sĩ Đát, chữa bệnh bằng tác động cột sống là một phương pháp không dùng thuốc mà dùng phần mềm của đầu ngón tay tác động lên cột sống một lực thích hợp: Nhẹ nhất là gãi ở trên đầu gai sau đốt sống hay mạnh nhất là lực của cả cánh tay tác động lên cột sống vùng thắt lưng hoặc vùng xương cùng theo hướng trục và hướng tâm giúp cho cột sống tự điều chỉnh, tự lập lại cân bằng để khỏi bệnh.

Để truyền đạt cho các em phương pháp chữa bệnh này, từ việc dạy các em nhận biết đốt sống, kỹ thuật tìm chuẩn bệnh, điều chỉnh nhiệt độ… đến các thao tác khi tác động trực tiếp vào đốt sống, lớp cơ, dây thần kinh bằng phần mềm đôi bàn tay thì phải trang bị cho học viên có những mô hình, khung lý thuyết, thực hành.

Mỗi lớp học sẽ trải qua 20 buổi học gồm: 14 buổi lý thuyết, 6 buổi thực hành mỗi buổi học gồm 4 tiết học. Dự buổi học ở đây mới biết được việc đào tạo cho những học viên “đặc biệt” thật không đơn giản. Bởi việc dạy và học nghề của HS phổ thông vốn đã vất vả thì việc đào tạo huấn luyện cho HS khiếm thị càng khó khăn, vất vả.

Bác sĩ Đát cho biết, các em HS khiếm thị tiếp thu khá nhanh. “Trong các buổi học các em luôn dồn hết tâm trí. Từ nhận biết các đốt cột sống, dây thần kinh đến cách bấm huyệt, xoa bóp, vận động khớp tay, chân, bàn tay, bàn chân... với rất nhiều kiến thức, thao tác khó nhưng các em bước đầu đã lĩnh hội được bằng cách hết sức kiên trì, làm đi làm lại những thao tác…”, bác sĩ Đát nói.

Quang cảnh lớp học
 Quang cảnh lớp học

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Y học cổ truyền của Đại học Y dược Huế cùng với nhiều năm theo học lương y Nguyễn Tham Tán và gần 8 năm nghiên cứu, thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (từ năm 2011 - 2018) bác sĩ Đát đã bảo vệ thành công, được Bộ Y tế công nhận phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc…

Hiện nay, bác sĩ Đát là Trưởng phòng Khám tác động cột sống Đơn nguyên Y học cổ truyền của bệnh viện này.

Vun đắp những ước mơ

Cô Phạm Thị Kim Nga - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, ngay khi biết nhà trường có mời bác sĩ Đát về giảng dạy phương pháp chữa bệnh không cần thuốc, chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống, HS đều rất hào hứng.

“Mặc dù là ngày nghỉ nhưng nhiều HS vẫn xin ở lại trường để dự lớp học đặc biệt này. Các em chăm chú học, trao đổi bài học với nhau, có em còn ghi âm lời thầy dạy để về nghe lại. Lớp học sôi nổi, thầy dù mệt cũng vui vẻ trả lời mọi câu hỏi của trò và còn dùng cơ thể của mình để trò thực hành…”, cô Nga nói.

Vũ Thị Hải Anh - HS lớp 8, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, lúc đầu em không quan tâm lắm vì nghĩ rằng sau khi học tẩm quất sẽ được học qua phương pháp đó. Tuy nhiên, khi lên lớp nghe thầy giảng về phương pháp tác động cột sống, chữa bệnh không cần thuốc và có rất nhiều người được chữa đã khỏi em thấy thật tuyệt vời.

“Bản thân em bị viêm động mạch năm 2017 phải liên tục vào viện để truyền kháng sinh chống viêm, khi về nhà đầu em ngày nào cũng đau, dẫn đến mất ngủ… Đến khi được thầy chữa vai, đầu đã hết đau, thầy chữa theo phương pháp tác động cột sống như: Tác động trực tiếp vào đốt sống lớp cơ, dây thần kinh của mình bằng tay xoa bóp bằng phần mềm đôi bàn tay sau đó em hết đau đầu, hết đau tay luôn…”, Hải Anh chia sẻ.

Cũng theo Hải Anh, sau khi được bác sĩ Đát chữa, em đã có những giấc ngủ ngon sau mỗi khi lên lớp.

Em Vũ Thị Hải Anh (trái) - học sinh lớp 8 trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ lợi ích sau khi học chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống
 Em Vũ Thị Hải Anh (trái) - học sinh lớp 8 trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ lợi ích sau khi học chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống

“Khóa 1 mở ra có rất nhiều HS và thầy cô trong trường tham gia nhưng vì một số bạn không theo kịp và nhiều thầy cô do ít thời gian đã không theo học được hết khóa. Hải Anh tốt nghiệp khóa 1 đã có thể tự tin để thực hành các bài học về chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống. Các bạn trong lớp sau khi tốt nghiệp khóa 2 mọi người có thể kiếm sống bằng chính phương pháp đó cũng như truyền lại cho những người khác phương pháp tốt như thế này…”, Hải Anh mong muốn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Đát cho biết thêm, hiện mỗi khóa học của Trung tâm Nghiên cứu phát triển phương pháp tác động cột sống tại Trường Đại học Thủy lợi có khoảng 50 HS, một năm có 2 khóa đào tạo, tất cả những ai yêu thích phương pháp này thì đều được đăng ký học… Từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã đào tạo cho hàng trăm học viên, ra trường khoảng gần 70% các em có việc ngay và bước đầu ổn định cuộc sống.

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, mất đi đôi mắt, cuộc sống của những người khiếm thị thực sự khó khăn. “Lớp học chữa bệnh bằng phương pháp tác động cột sống sẽ là một kênh học nghề cho các em.

Học chữa bệnh bằng phương pháp này, các em cũng được học các thao tác có thể làm thêm nghề tẩm quất, chăm sóc sức khỏe. Đó thực sự là chỗ dựa, là niềm tin để HS làm chủ bản thân, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng…”, cô Phạm Thị Kim Nga chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.