Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều cơ sở đã giải thể. Nếu muốn mở lại, chủ trường phải tìm được học sinh, bố trí đội ngũ giáo viên cũng như giải bài toán về tài chính…
Vừa mừng, vừa lo
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trên địa bàn Thủ đô có thể trở lại trường từ ngày 1/3. Việc tổ chức đón trẻ trở lại trường được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. Tính đến nay đã gần 10 tháng, trẻ mầm non tại Hà Nội nghỉ ở nhà để phòng chống dịch Covid-19.
Thông tin thành phố cho phép các em lứa tuổi này được đến trường cũng thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Là phụ huynh có hai con học mầm non tại quận Hai Bà Trưng, anh Vũ Thế Ngọc cho biết: “Tôi mong chờ quyết định này từ năm 2021, khi mà tình hình dịch tại thành phố dần được kiểm soát. Gần một năm qua, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Vợ chồng phải thường xuyên tráo đổi cho nhau lịch ở nhà làm online để chăm con. Khi thành phố ra quyết định tức là đã có sự khảo sát, cân nhắc và tính toán tới phương án bảo đảm an toàn cho các cháu.
Tôi tin rằng ở lớp, công tác phòng dịch được đảm bảo để các con có môi trường học tập thực sự an toàn. Trẻ học từ cô giáo các kỹ năng cần thiết phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi hơn là chỉ được bố mẹ dạy qua video hướng dẫn của cô giáo gửi. Tôi cũng cho rằng, các cháu đi học thì sẽ được ăn bán trú luôn chứ không phải giữa trưa yêu cầu phụ huynh đưa đi, đón về rất bất tiện”.
Ở chiều ngược lại, chị Đỗ Thị Vinh có con trai 5 tuổi học tại quận Thanh Xuân cho rằng: Chủ trương mở cửa trường học của thành phố là đúng đắn. Tuy nhiên, điều người mẹ này lo lắng chính là các cháu vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Việc cho nhóm trẻ từ 5 – 11 tuổi tiêm vắc-xin vẫn cần có một lộ trình phù hợp và phải được cơ quan chuyên môn đánh giá kỹ càng. Do đó, theo vị nữ phụ huynh, nếu từ giờ tới hết tháng 2, tình hình dịch bớt căng thẳng sẽ cho con tới trường học trực tiếp.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10 – 10 (quận Hoàng Mai) - cho biết: Tâm trạng của đa số phụ huynh và cả cán bộ, giáo viên nhà trường đều vừa mừng vừa lo. Phụ huynh mừng vì con có thể được đến trường, khép lại chuỗi ngày vất vả vì vừa phải lo trông con vừa làm việc; trẻ 2 tuổi có thể tăng cường tập nói, giao tiếp.
Tuy nhiên, thời điểm đi học trở lại đúng mùa nồm ẩm các em sẽ dễ ốm; trẻ đến trường lạ lớp, lạ cô sẽ khóc nhiều. Nhà trường được quận bàn giao lại cơ sở vật chất để tiến hành vệ sinh khử khuẩn, sắp xếp lại môi trường, luộc lại toàn bộ khăn, ca cốc, rửa đồ chơi, rà soát các thiết bị y tế phục vụ phòng dịch theo quy định. Tập huấn tuyên truyền về phòng chống dịch, xây dựng phương án, diễn tập đón học sinh đi học trở lại.
Gỡ khó cho trường tư thục ra sao?
Khi thành phố cho phép trẻ mầm non đi học thì các trường ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Bà Đường Thị Lệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông - cho hay: Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, quận có 27 trường mầm non ngoài công lập với hơn 280 nhóm lớp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua, 2 trường mầm non ngoài công lập đã giải thể; ở các phường cũng giải thể khoảng 20 nhóm lớp tư thục.
Chính quyền các phường đã vận động chủ đầu tư/chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng từ 30 – 70% cho chủ trường mở nhóm lớp để giảm khó khăn. Tuy nhiên, số lượng cơ sở được giảm tiền thuê nhà không nhiều và thời gian giảm cũng không được lâu do dịch bệnh kéo dài. Do đó, số trường mầm non tư thục đứng trước nguy cơ giải thể có thể còn nhiều.
Hà Đông hiện có hơn 40 nghìn trẻ mầm non. Trong đó số trẻ học tại các trường công lập chiếm trên 50%, còn lại ở các trường ngoài công lập. Về vấn đề giải bài toán chỗ học cho trẻ tại các cơ sở mầm non bị giải thể, theo bà Lệ, Phòng GD&ĐT quận yêu cầu các nhóm lớp, trường thông báo tới 100% phụ huynh để có thời gian tìm hiểu và lựa chọn chỗ học mới phù hợp với điều kiện mỗi gia đình. Quận cũng yêu cầu các trường công lập sẵn sàng đón các cháu ở trường ngoài công lập bị giải thể vào học.
Bên cạnh đó, thực trạng thiếu giáo viên cũng là “cái khó” của các trường mầm non ngoài công lập trong thời gian tới nếu được mở cửa trở lại. “Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, chủ cơ sở mầm non ngoài công lập phải lấy lại toàn bộ thông tin của giáo viên xem ai có thể trở lại làm việc tiếp để sắp xếp đội ngũ nhân sự. Đồng thời, khảo sát phụ huynh xem những trẻ nào tiếp tục có nhu cầu học tại cơ sở mình để lập danh sách. Nếu thiếu có thể hợp đồng với những giáo viên mới ra trường vào làm việc. Điều này đòi hỏi mỗi chủ cơ sở phải thực sự chủ động, nhanh nhạy và tích cực để có thể tự tìm cho mình những hướng đi phù hợp” – bà Đường Thị Lệ nhấn mạnh.