Trường mầm non tư thục mong ngày mở cửa

GD&TĐ - Sau nhiều tháng phải tạm ngừng hoạt động do dịch, đến nay đã có tín hiệu khả quan để các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tư thục mở cửa trường đón học sinh trở lại.

Trẻ được đến trường là mong muốn của cả nhà trường và các bậc phụ huynh. Ảnh: TG
Trẻ được đến trường là mong muốn của cả nhà trường và các bậc phụ huynh. Ảnh: TG

Tuy nhiên, tính sao để ổn định đội ngũ khi giáo viên sau nhiều tháng nghỉ không lương đã tìm việc khác để mưu sinh. 

Loay hoay với dịch

Tỉnh Đồng Nai hiện có 346 trường mầm non, trong đó có trên 120 trường tư thục (chiếm tỷ lệ 35%). Cùng với 1.300 nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục thường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, chủ yếu là con công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trong thời gian qua khiến rất nhiều cơ sở mầm non tư thục gặp khó khăn. Không có bất cứ nguồn thu nào, đội ngũ giáo viên của trường đành chấp nhận ở nhà nghỉ việc không lương, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ vài trăm nghìn đồng mỗi đợt nghỉ dịch, kèm theo ít lương thực, thực phẩm.

Còn ở Hà Nội, tình trạng các cơ sở GDMN tư thục cũng khó khăn không kém. Trường MN EduPlay Hà Nội, được các bậc phụ huynh rất tín nhiệm thì nay cũng lay lắt vì làn sóng Covid-19. Phụ huynh liên tục hỏi bao giờ được gửi con?

Giáo viên nhắn tin cho hiệu trưởng đến nóng cả máy xem khi nào được đi dạy trở lại. Câu trả lời chung vẫn là phải chờ Sở GD&ĐT cho phép dạy học trở lại khi dịch bệnh đã lắng xuống. Không có học sinh, đồng nghĩa với không có nguồn thu và không thể trả lương cho giáo viên. “Nghỉ việc lâu quá nên các cô cũng chuyển đổi nghề. Chúng tôi rất lo lắng vì tuyển được giáo viên mầm non không dễ dàng chút nào”, chủ trường than.

Trường MN Eduplay (Hà Nội) trong những ngày đón học sinh đi học đông vui. Ảnh: TG
Trường MN Eduplay (Hà Nội) trong những ngày đón học sinh đi học đông vui. Ảnh: TG

Sẽ hỗ trợ các cơ sở GDMN

Theo cô Nguyễn Thanh Mai - giáo viên Trường MN EduPlay Hà Nội, những lời hỏi thăm, động viên của phụ huynh trong thời gian vừa qua khiến giáo viên thấy ấm lòng. “Đúng là quá yêu nghề, chứ giờ em đang bán hàng online cũng đủ sống rồi! Em và đồng nghiệp ở trường mong ngóng từng ngày để được đi dạy trở lại, nhớ các con và yêu nghề nên ai cũng muốn gắn bó lâu dài với trường. Nhà trường đã khó rồi nên hỗ trợ cho giáo viên cũng khó thực hiện. Chỉ mong có chính sách từ trên để động viên giáo viên MN ngoài công lập gắn bó với nghề” - cô Mai chia sẻ.

Cơ sở mầm non Toàn Cầu (Đông Anh, Hà Nội) là nơi có đến 90% con công nhân theo học. Bà Nguyễn Thanh Phương - cán bộ quản lý cơ sở - chia sẻ: Trước dịch, cơ sở này có 22 cô thì nay đã có 4 cô xin nghỉ, 4 cô khác đang hưởng chế độ thai sản và một số cô cũng đang xin chốt bảo hiểm xã hội.

Đại diện cơ sở này cho biết, thật khó khăn vì chỉ là nhóm trẻ tư thục nên không có gì để giữ được chân giáo viên. “Chúng tôi mong cơ sở GDMN sớm được hoạt động trở lại. Việc này không chỉ giúp giáo viên và nhà trường tồn tại, mà còn giảm gánh nặng cho gia đình công nhân lao động, khi bố mẹ phải nghỉ làm để trông con. Vừa qua, cơ sở mầm non Toàn Cầu đã có khảo sát nhu cầu quay trở lại học tập các phụ huynh, kết quả rất khả quan. Cơ sở cũng thường xuyên có trao đổi với giáo viên để sẵn sàng cho việc mở lớp trở lại. Chúng tôi cũng mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho giáo viên và các cơ sở GDMN tư thục trong đợt dịch này.”  - bà Phương đề xuất.

Trường MN Họa My, TP Vinh (Nghệ An) là trường tư thục được đánh giá cao về chất lượng. Bà Trần Thị Hải Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để bảo đảm việc trường mở cửa trở lại có đủ đội ngũ, chúng tôi thường xuyên liên hệ với giáo viên cũ, động viên các cô giáo trở lại dạy học. Nhà trường cũng cố gắng chia sẻ để bảo đảm đời sống cho các cô ít ảnh hưởng nhất. Chúng tôi cũng sẵn sàng với phương án tuyển mới, trường liên hệ với các cơ sở đào tạo giáo viên MN để tìm nguồn khi cần thiết. Do trường ở trung tâm thành phố nên việc tìm nguồn giáo viên để tuyển mới cũng không quá khó.

TS Đặng Lộc Thọ - Thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia GD và phát triển nguồn nhân lực - cho rằng: Thời gian tới, nếu hoạt động trở lại, các cơ sở GDMN tư thục sẽ rất khó khăn. Thậm chí có cơ sở sẽ phải gây dựng lại từ đầu. Xã hội đang cần huy động lao động sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Người lao động cần gửi con để đi làm. Trước mắt, các cơ sở GDMN này phải cân đối các nguồn lực để mở lại trường. Địa phương và Trung ương cần có hỗ trợ cả về chuyên môn và vật chất để họ hoạt động trở lại.

PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trường Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT - cho biết: Qua rà soát của Bộ, hiện có khoảng 2.310 trường MN, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở GDMN ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở GDMN tư thục phát triển sau đại dịch, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ. Đó là các chính sách hỗ trợ số hóa, chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở GDMN sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Bộ đã rà soát, đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở GDMN ngoài công lập. Kết quả khảo sát cho thấy: 95,2% cơ sở GDMN tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Bộ GD&ĐT nhận thấy, các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực GDMN tư thục hiện mới chỉ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh theo chính sách chung của Chính phủ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.