Hà Nội chú trọng an toàn bán trú khi mở cửa trường mầm non

GD&TĐ - Toàn bộ trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội đã quay trở lại trường học. Một trong những ưu tiên hàng đầu được các nhà trường chú trọng, phụ huynh gửi gắm chính là công tác bán trú phải bảo đảm an toàn. 

Công tác bán trú luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà trường khi trẻ mầm non đi học lại.
Công tác bán trú luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà trường khi trẻ mầm non đi học lại.

Tỷ lệ bán trú cao

Nhà có hai con học mầm non tại huyện Đan Phượng, chị Lê Thị Thơ chia sẻ: “Suốt thời gian dài khi các cháu nghỉ ở nhà, cuộc sống gia đình dường như bị đảo lộn. Cả hai vợ chồng đều làm hành chính nên phải nhờ bà ngoại ở quê lên chăm cháu. Hiện, cháu lớn chuẩn bị vào lớp 1 nhưng kỹ năng cầm bút và tô chữ vẫn chưa được thuần thục.

Được đến trường học trực tiếp, tôi hy vọng cô giáo tiếp tục kèm cặp và hướng dẫn các cháu thật nhiều kỹ năng cơ bản và được ăn bán trú tại trường. Đưa con đi học, tôi thấy yên tâm bởi nhà trường đã chuẩn bị chu đáo về các mặt để chăm sóc, giáo dục trẻ”.

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, bà Bùi Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đan Phượng cho hay: Đón trẻ mầm non trở lại trường an toàn là một trong những nội dung quan trọng được ngành Giáo dục huyện quán triệt tới các trường trên địa bàn. Trong tuần trước, các nhà trường đã lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ quay lại học trực tiếp và đăng ký ăn bán trú.

Từ số liệu đó, các trường chuẩn bị tốt cho công tác bán trú cho trẻ. Theo đó, việc tổ chức bán trú được thực hiện theo nguyên tắc mỗi trẻ một suất ăn riêng theo thực đơn cố định, lớp nào ăn tại lớp đó. Trong khi học cũng như ăn bán trú, giáo viên cố gắng bố trí trẻ ngồi theo từng nhóm nhỏ để đảm bảo khoảng cách. Đồ dùng cá nhân như ca, cốc, khăn mặt, chăn, gối… phải dùng riêng.

Cũng theo vị Trưởng phòng, ngay từ đầu năm học, các trường đã xây dựng đầy đủ bộ quy trình về công tác bán trú. Trong đó có các khâu như giao nhận, kiểm soát thực phẩm đầu vào, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những điểm thuận lợi khi địa phương triển khai bán trú là đa số các nhà cung cấp thực phẩm đều nằm trên địa bàn. Do đó, việc kết nối giữa nhà trường với đơn vị cung ứng không quá khó khăn. Các trường chủ động lựa chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm tính pháp lý.

Trong ngày 13/4, Trường Mầm non Tân Hội A có gần 600 học sinh ra lớp, 100% đăng ký ăn bán trú tại trường. Theo cô Ngô Thị Nhã – Hiệu trưởng nhà trường: Khâu kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào được nhà trường phối hợp với đại diện cha mẹ học sinh thực hiện nghiêm túc. Thực đơn cũng được xây dựng khoa học, bảo đảm dinh dưỡng với các loại rau củ quả theo mùa.

Trẻ mầm non tại Hà Nội trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4.
Trẻ mầm non tại Hà Nội trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4.

Chuẩn bị đấy đủ

Huyện Đan Phượng có 31/32 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mở cửa đón trẻ trong ngày 13/4. Do có nhiều đặc thù nên các nhóm trẻ mầm non tư thục phải nghe ngóng tình hình xem số lượng trẻ đến lớp có nhiều không để có kế hoạch tuyển thêm giáo viên nếu cần.  Với các trường công lập, cơ bản đội ngũ giáo viên vẫn ổn định với gần 800 cán bộ, giáo viên và chưa phải tuyển mới.

Trường hợp nếu có giáo viên bị F0 mà không đủ chỉ tiêu 2 cô trông một lớp thì phòng Giáo dục sẽ điều tiết giáo viên từ các trường khác đến để hỗ trợ. Giáo viên F0 khỏi bệnh và sức khỏe đảm bảo đi làm thì rút giáo viên tăng cường về trường cũ. Chia sẻ thông tin trên, Trưởng phòng GD&ĐT Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho hay: Thời gian qua, khi bậc tiểu học được đi học lại chúng tôi đã thực hiện phương án như vậy nên luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó.

Còn tại huyện Hoài Đức, công tác đón trẻ trong ngày đầu trở lại trường sau dịch cũng được triển khai theo hướng dẫn từ Sở GD&ĐT Hà Nội. Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông La trao đổi: Trường chia làm hai khu với 93 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 780 học sinh. Từ khi học sinh tiểu học đi học trở lại, nhà trường đã họp bàn và tiến hành tổng vệ sinh, dọn dẹp toàn bộ cơ sở vật chất của trường.

Cơ sở chính của trường trước đây được trưng dụng làm điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của xã, giáo viên của trường cũng tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng tại địa phương. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện cũng sử dụng nơi này để làm khu cách ly tập trung các bệnh nhân F0. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa phải tiếp nhận bất cứ trường hợp F0 nào đến cách ly và được bàn giao lại cho nhà trường để tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp kể cả trong những ngày nghỉ lễ. Trong suốt thời gian nghỉ dịch, giáo viên nhà trường thường xuyên tham gia các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ.

Là đơn vị vừa được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoài Đức bàn giao toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất để đón học sinh đi học, cô Nguyễn Thị Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B thông tin: Công tác tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp được nhà trường thực hiện khẩn trương và đúng quy định.

Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường được tập huấn quy trình đón trẻ cũng như xử lý tình huống liên quan đến dịch tễ tại trường. Trong đó, bộ phận bán trú, nhân viên nuôi dưỡng được quán triệt rất kỹ để đảm bảo khâu kiểm soát và chế biến thực phẩm. Tất cả phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà trường phối hợp với ban phụ huynh trong khâu giám sát nguồn thực phẩm đầu vào cũng như các bước liên quan, kể cả khâu lên thực đơn để trẻ có các bữa ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng và ngon miệng.

Qua kiểm tra thực tế tại một số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn ngày 13/4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong công tác đón trẻ quay trở lại trường bảo đảm an toàn, đúng quy trình, quy định về phòng chống dịch. Đặc biệt, công tác bán trú được triển khai theo đúng các văn bản chỉ đạo từ thành phố. Các trường thống kê số lượng trẻ ăn bán trú tại lớp trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu đơn vị nào xảy ra sai sót liên quan đến thực phẩm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ