Giao quyền tuyển dụng nhân sự cho trường THPT: Tạo sự cạnh tranh và động lực đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Đây được xem là chủ trương táo bạo của ngành giáo dục (GD) TPHCM, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nhà quản lý, giáo viên, chuyên gia giáo dục. Điều này hướng đến sự cạnh tranh, đổi mới trong giáo dục, từ đó góp phần nâng cao chất lượng GD cho từng đơn vị nói riêng, cho ngành GD TPHCM nói chung.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 - một trong các trường THPT tại TPHCM đang thực hiện theo mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 - một trong các trường THPT tại TPHCM đang thực hiện theo mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế

Từ năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT TPHCM bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT. Trước tiên, trong năm học này, sở phân cấp trách nhiệm tuyển dụng giáo viên, nhân viên (GV, NV) cho 2 trường gồm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Dự kiến, trong năm học tới, sở sẽ tiếp tục phân cấp tuyển dụng đối với các trường THPT có lớp chuyên, trường năng khiếu và các trường theo mô hình tiên tiến hội nhập.

Sau đó các trường nội thành, các trường có điều kiện cũng sẽ thực hiện và tiến tới sau năm 2020, tất cả các trường THPT trên địa bàn sẽ được giao quyền tự chủ về nhân sự.

Liên quan đến vấn đề này PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM.

* Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về chủ trương của Sở GD&ĐT TPHCM trong việc thực hiện tự chủ biên chế và tổ chức cho các trường THPT được thực hiện từ năm học này?

- Bản thân tôi rất đồng tình với chủ trương nói trên của ngành GD&ĐT thành phố. Có thể thấy, từ trước tới nay, ở khối THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT TPHCM, sở trực tiếp tuyển dụng GV, NV căn cứ vào nhu cầu của từng trường gửi lên (đã qua kiểm tra, rà soát). Như vậy khi giao quyền tự chủ về nhân sự cho các trường, cụ thể là các trường trực tiếp tuyển dụng GV, NV, thì đó là một cách để ngành GD giao việc cho các đơn vị trực thuộc; bớt ôm đồm, tập trung hơn cho việc quản lý chất lượng học sinh.

Thêm vào đó, khi phân quyền cho các trường trực tiếp tuyển dụng, hội đồng tuyển dụng của trường sẽ có những tiêu chí để làm sao tuyển được người phù hợp với đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu của trường, của tổ bộ môn, của học sinh trường. Ngoài ra, đó còn là mong muốn của tân giáo viên khi họ muốn ứng tuyển vào trường này, trường kia.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay Trường THPT Nguyễn Du của chúng tôi tuyển giáo viên bản ngữ để dạy tiếng Anh. Chúng tôi thông qua một trung tâm lớn tại TPHCM, và yêu cầu của chúng tôi là kiểm tra chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ hành nghề của giáo viên được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép. Ngoài ra, giáo viên đó sẽ có một hai buổi tiếp xúc với các giáo viên tổ Ngoại ngữ để được đánh giá sơ qua, nắm rõ yêu cầu, mục tiêu của trường với giáo viên bản ngữ, rồi có những tiết dạy thử nghiệm. Nếu không đảm bảo những điều trên, chúng tôi không ký hợp đồng.

Trở lại cách tuyển dụng trước nay: Sở tuyển giáo viên và phân bổ về các trường, sau tập sự 12 tháng người đó sẽ trở thành giáo viên cơ hữu; phấn đấu qua thời gian tập sự là xong, ỷ lại vào “lá bài” biên chế, yên tâm tại vị, không có sự nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, sức ì lớn dần. Nếu một tập thể sư phạm có nhiều giáo viên như vậy, chắc chắn chất lượng GD sẽ không đảm bảo, uy tín của nhà trường sẽ đi xuống.

Vì vậy giao quyền tự chủ tuyển dụng cho nhà trường chính là tạo sự cạnh tranh, động lực cho sự đổi mới trong giáo dục, dễ thấy trước mắt là chúng ta có một đội ngũ GV luôn nỗ lực hết mình, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, trình độ… Nói thêm, đây cũng được coi là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với nền GD của các nước tiên tiến; mô hình này được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Thầy Huỳnh Thanh Phú
 Thầy Huỳnh Thanh Phú

* Nhưng cũng có nhiều ý kiến xung quanh chủ trương này, họ cho rằng nếu giao quyền tự chủ về nhân sự cho trường THPT thì dễ xảy ra vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng, được một mà mười ngờ?

- Thực ra, khi giao quyền tuyển dụng nhân sự cho trường thì vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường là vô cùng lớn. Hiệu trưởng phải bàn bạc với ban giám hiệu, thành lập hội đồng tuyển dụng của trường, xây dựng bộ tiêu chí, xây dựng quy trình - quy chế tuyển dụng nhân sự phù hợp với đơn vị mình đang quản lý.

Quy trình này phải được công khai, lấy ý kiến của hội đồng trường, hội đồng sư phạm và khi có sự thống nhất sẽ trình lên Sở GD&ĐT phê duyệt. Trong quá trình tuyển dụng, đơn vị phải tuân thủ theo quy chế, quy trình đã thông qua. Hội đồng tuyển dụng của trường bao gồm những giáo viên uy tín, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của bộ môn cần tuyển và có thể có thêm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, chứ không nhất thiết hiệu trưởng phải nằm trong hội đồng, hay hiệu trưởng trực tiếp phỏng vấn một ứng viên rồi tự quyết định cho trúng tuyển hay không.

Và ngay cả khi dù không trực tiếp tham gia, nhưng với tư cách là chủ tịch hội đồng tuyển dụng, thì mọi sai phạm (nếu có) đều là trách nhiệm chính của hiệu trưởng. Với tư cách là người đứng đầu, hiệu trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về quy trình tuyển dụng của hội đồng tuyển dụng nhà trường. Điều này cho thấy đó cũng là một áp lực rất lớn đối với người đứng đầu nhà trường. Và tôi nghĩ, tuyển dụng nhân sự chính là công việc liên quan đến con người, đến đội ngũ nhà giáo, quyết định chất lượng GD của một ngôi trường, nên nếu ai có sai phạm cũng cần nghĩ đến văn hóa từ chức.

Dĩ nhiên, với một hiệu trưởng có tâm, có tầm, có kiến thức, luôn làm việc công tâm, đảm bảo sự công bằng, dân chủ và trách nhiệm thì không chỉ ở lĩnh vực tự chủ về nhân sự, nếu tiến xa hơn là tự chủ toàn diện trong trường học, hiệu trưởng ấy cũng phải thực hiện tốt.

* Điều ông diễn giải thật có sức thuyết phục, vậy theo ông, cần có những giải pháp gì thêm để đảm bảo công tác tuyển dụng được thực hiện nghiêm túc?

- Như tôi vừa trình bày, khi được phân quyền tuyển dụng nhân sự, các trường phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quy trình, quy chế phù hợp với đơn vị. Kế hoạch này được hội đồng trường thông qua và được công khai. Sau khi thống nhất sẽ trình lên Sở GD&ĐT xem xét, phê duyệt. Quá trình tuyển dụng phải tuân thủ theo quy trình đó.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phải tăng cường giám sát, thanh kiểm tra trong quá trình thực hiện; thanh kiểm tra phải thực hiện công khai, minh bạch. Sở sẽ thẩm định hồ sơ của ứng viên trúng tuyển trước khi tuyển chính thức vào trường. Ngoài ra, nếu đã giao quyền tự chủ về nhân sự - tuyển dụng cho nhà trường, thì chính nhà trường cũng cần được giao quyền có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người đã được tuyển. Như vậy sẽ tránh được sự chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất các quy trình.

* Có ý kiến cho rằng, việc phân quyền tuyển dụng cho các trường THPT sẽ dẫn đến “chảy máu chất xám”. Nhiều giáo viên giỏi có nhu cầu sẽ xin chuyển hoặc tham gia ứng tuyển tại những ngôi trường có uy tín, có chế độ đãi ngộ và đầu vào HS cao…, và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng và đội ngũ giáo viên của các trường có giáo viên ra đi?

- Tôi nghĩ ngược lại: Chính điều này tạo nên sự cạnh tranh, khi các trường trực tiếp tuyển dụng sẽ thu hút được các ứng viên giỏi, nhà trường có quyền lựa chọn ứng viên sáng giá nhất để họ góp phần phát triển chất lượng trường mình. “Đất lành thì chim đậu”, đó là quy luật.

Giả sử có sự việc giáo viên trường A thi nhau xin ứng tuyển về trường B, chắc chắn hiệu trưởng sẽ có báo cáo lên cấp trên để cùng tìm hướng giải quyết. Và đây là “mặt được” của nó, chính sự việc này là hồi chuông báo động cho nhà quản lý, cho hiệu trưởng ngôi trường có giáo viên ra đi, rằng họ cần nhìn nhận lại cách quản lý của mình, nhìn nhận lại đội ngũ sư phạm của mình, nhìn nhận lại chất lượng GD của trường mình để có những giải pháp cải thiện kịp thời. Một khi chất lượng GD thay đổi, chắc chắn sẽ có những GV giỏi chỗ khác tìm đến trường “bù” vào.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.