Ông chia sẻ gì với những Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm thấp?
- Hôm nay có 2 Bộ trưởng nhận được số phiếu “tín nhiệm thấp” đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ GTVT. Trước tiên, tôi cũng chia sẻ với 2 tư lệnh ngành của hai bộ.
Có thể nói đây là những lĩnh vực rất khó, khó ở chỗ yêu cầu của xã hội đối với sự phát triển của lĩnh vực này rất cao. Xã hội đòi đường xá phải mở mang, giao thông phải đỡ ùn tắc, đòi hỏi chất lượng giáo dục phải nâng cao, đổi mới giáo dục phải diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, chúng ta ở trong một bối cảnh là nguồn lực thì có hạn nên nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực cần đầu tư nhiều cũng hạn chế. Như vậy những Bộ này phải giải quyết mâu thuẫn yêu cầu đòi của xã hội, của dư luận, của đại biểu, của cử tri thì rất cao mà nguồn lực thì có hạn.
Tôi cho rằng đây là áp lực rất nặng nề của những Bộ này. Và chính vì áp lực cao như vậy, nguồn lực có hạn nên chắc chắn kết quả của ngành không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, của đại biểu, của nhân dân.
Trong thực tế, cũng có những lý do khách quan, sự việc khách quan xảy ra trong thời gian vừa qua ảnh hưởng, tác động đến cái nhìn của đại biểu. Tôi cho rằng kết quả này cũng là bình thường, phản ánh nhìn nhận khách quan của đại biểu.
Theo nhìn nhận khách quan như vậy thì rõ ràng với những ngành này, các tư lệnh ngành có rất nhiều áp lực và cần nỗ lực cao hơn nữa so với một số ngành khác, một số vị trí khác để đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của dư luận, của đại biểu.
Như vậy, có khi nào có thiệt thòi cho các Bộ trưởng?
- Tôi cho rằng cũng có những thiệt thòi nhất định. Hai Bộ này phải hoàn thành công việc với yêu cầu rất cao trong khi đó cơ chế, nguồn lực có hạn, nên giải quyết được mâu thuẫn không chỉ là vai trò của các tư lệnh ngành mà cả bộ máy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Bản thân các đồng chí đã có nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên có những lý do khách quan như thời gian gần đây, có một loạt sự cố liên quan đến 2 ngành này. Những sự cố được dư luận, cử tri, đại biểu quan tâm mổ xẻ và chắc chắn nó có ảnh hưởng đến đánh giá của các đại biểu, các đồng chí cũng bị thiệt thòi.
Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng, nhìn nhận chung của đại biểu và Quốc hội tương đối khách quan và đánh giá cũng khá cao với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Kết quả này cũng thể hiện rõ ràng ở một số ngành, đặc biệt là khối chính phủ, khối điều hành, nhưng ngay cả các khối khác cũng có sự phân hóa trong kết quả đánh giá, thể hiện sự ghi nhận của đại biểu với những cố gắng của các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, đồng thời cũng là yêu cầu cao, đòi hỏi mỗi đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành trọng trách của mình.