Không cho giáo viên trường tư trông trẻ tại nhà: Ý kiến của luật gia

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm giáo viên trường tư trông trẻ tại nhà là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý cần có cách làm linh hoạt hơn.

Trẻ mầm non được đến trường là mong muốn của nhiều phụ huynh trong thời điểm này. Ảnh: PV.
Trẻ mầm non được đến trường là mong muốn của nhiều phụ huynh trong thời điểm này. Ảnh: PV.

Phụ huynh biết gửi con cho ai?

Trong suốt nhiều tháng qua, trẻ mầm non tại Hà Nội đã phải tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của thành phố. Điều này khiến cho nhiều gia đình trở nên đau đầu với bài toán "gửi con cho ai" khi bố mẹ đều bận đi làm. Đây thực sự là một nhu cầu bức thiết của người dân cần được quan tâm, giải quyết. 

Tuy nhiên mới đây, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã ban hành công văn yêu cầu giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục, lớp mẫu giáo độc lập tuyệt đối không tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhà riêng của giáo viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà. 

Trước thông tin này, dư luận xã hội, nhất là những gia đình có con ở lứa tuổi mầm non trở nên lo lắng, thậm chí bức xúc.

Chị Hoàng Vân (nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân) cho hay: "Tôi không đồng tình với cách làm này vì như thế, các gia đình có con nhỏ như chúng tôi thực sự rất khó khăn vì không thể gửi con cho ai. Ông bà ở quê thì đang cách ly không thể lên được với cháu. Tôi cũng tin tưởng và gửi cho cô giáo ở gần nhà, nhà cô cũng thông thoáng và chỉ nhận trông dưới 10 cháu. Chúng tôi cũng yên tâm gửi con để đi làm". 

Trẻ trong giờ lên lớp sau nhiều tháng nghỉ dịch tại Trường Mầm non Tiên Tân (Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: PV.
Trẻ trong giờ lên lớp sau nhiều tháng nghỉ dịch tại Trường Mầm non Tiên Tân (Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: PV.

Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Linh có con học lớp 3 tuổi tại một trường tư thục ở Thanh Xuân cho hay, nếu quận cấm giáo viên trường tư trông trẻ tại nhà thì không lẽ bắt phụ huynh phải mang con lên cơ quan hoặc buộc phải ở nhà để trông con. Điều này là không thể chấp nhận được, khi cô giáo trường tư họ đã quá thiệt thòi vì dịch không được đi dạy. Phụ huynh và giáo viên đã có thỏa thuận với nhau thì nên tôn trọng. 

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, TS Luật học, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) cho rằng, hoạt động giáo dục được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo phải thực hiện hoạt động theo quy định của ngành Giáo dục.

Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù. Việc các cơ sở giáo dục có hoạt động hay không, hoạt động như thế nào trong thời điểm dịch bệnh, phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể trên từng địa phương, theo quy định của Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19 các cấp. 

Việc phòng chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của toàn xã hội hiện nay. Tuy nhiên, hiện chỉ có Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân có văn bản quy định siết chặt việc dạy và trông giữ trẻ tại nhà của giáo viên mầm non tư thục như vậy.

Cần giải pháp hợp tình, hợp lý

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp hơn. Ảnh: PV.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp hơn. Ảnh: PV.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, quy định về hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội cũng như quy định về dạy thêm, học thêm ở Thủ đô sẽ do Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định. Việc này căn cứ vào các quy định của Bộ GD&ĐT, các văn bản của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.

Việc phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân ban hành công văn để hạn chế nhu cầu trông giữ trẻ tại nhà của giáo viên mầm non tư thục là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Với diễn biến kéo dài của dịch bệnh thì gần như các cơ sở giáo dục tư thục, trong đó phần lớn là giáo dục mầm non không thể hoạt động được trong một thời gian dài.

Ông Cường dẫn giải, thực tế đã có nhiều cơ sở phải đóng cửa, nhiều giáo viên mất việc làm phải đi làm những công việc lao động chân tay. Bởi vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành Giáo dục không chỉ là đảm bảo về chất lượng hiệu quả, tiến độ giảng dạy mà còn phải quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, giáo viên.

Trong đó, các giáo viên cơ sở giáo dục tư thục, dân lập, tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cần phải được quan tâm, tạo điều kiện như nhau để ổn định cuộc sống.

“Rất nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm, không phải ai cũng có thể nhờ người thân trông con tại nhà. Bởi vậy, nhu cầu này của người dân đang ngày càng gia tăng. Do đó, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân nên xem xét lại văn bản này về cả nội dung, hình thức và mục đích của văn bản”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Tại Nam Định, việc tổ chức dạy học được kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến ở từng địa bàn có các mức độ dịch khác nhau. Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Nam Trực, toàn huyện có 7.797 học sinh phải học trực tuyến do nằm trong khu vực có nguy cơ dịch bệnh. Với cấp mầm non, nếu giáo viên và trẻ không nằm trong diện F1, F2 ở cùng trên khu vực vùng nguy cơ thì cô giáo có thể trông trẻ tại nhà. Miễn sao phải đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.