Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga: “Nghề đã chọn tôi”

GD&TĐ - Bằng lòng nhiệt huyết với nghề và thương yêu học trò, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Nga – Giáo viên lớp hòa nhập tiểu học 2B2, Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có bao kỷ niệm với các em HS nơi đây. 

Những khoảnh khắc bên học trò và mái trường mãi là những kí ức đẹp và đáng nhớ với cô giáo trẻ Thu Nga.
Những khoảnh khắc bên học trò và mái trường mãi là những kí ức đẹp và đáng nhớ với cô giáo trẻ Thu Nga.

Nghề chọn người

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt (GDĐB), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2016, cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga, sinh năm 1994, quê Nam Định chia sẻ, ngay từ khi còn là sinh viên, cô đã bắt đầu làm quen và đi dạy.

Nga cho biết, hồi học cấp 3 mình vẫn còn băn khoăn chưa có định hướng gì. Sau khi đạt giải Nhì môn Ngữ văn tỉnh Nam Định, cô giáo dạy Văn có khuyên em nên thi vào ngành GDĐB, cô học trò nhỏ có chút bối rối ban đầu. Sau khi tìm hiểu và được gia đình động viên, Nga quyết định thử sức mình. Kết quả nằm ngoài mong đợi vì Nga đã xuất sắc đỗ thủ khoa ngành GDĐB của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012.

Trong quá trình học, nhiều bạn học rất tốt, can thiệp cho học sinh có hiệu quả mà cứ bỏ dần để học thi vào các ngành khác, đôi lúc Nga cũng cảm thấy lung lay tinh thần nhưng vẫn cố gắng học. Sau khi ra trường và công tác tại Trường Tiểu học Bình Minh, nữ cử nhân đã được nhà trường, đồng nghiệp giúp đỡ và chia sẻ.

Dạy cả học sinh bình thường và trẻ hòa nhập, khuyết tật ở các dạng khác nhau, Trường Tiểu học Bình Minh là địa chỉ được nhiều bậc phụ huynh gửi gắm con em mình theo học. Riêng đối tượng trẻ hòa nhập, nhà trường đang có trên 200 học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga cho rằng, được theo nghề giáo dục đặc biệt là một may mắn với mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga cho rằng, được theo nghề giáo dục đặc biệt là một may mắn với mình. 

Nỗi vất vả khi dạy trẻ hòa nhập

Cô Thu Nga tâm sự, trong quá trình làm thầy, làm bạn với trẻ khuyết tật học hoà nhập cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các em đa dạng tật, mức độ nhận thức khác nhau; thiếu rất nhiều kĩ năng cơ bản, đặc biệt là các kĩ năng mềm như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tương tác; nhiều em chức năng kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc còn rất hạn chế. Độ tuổi khác nhau nên các em có những thích ứng và phản ứng rất khác nhau cho dù cùng là một sự việc hoặc một nội dung bài học ở cùng một môi trường.

“Hiện nay, chương trình học của học sinh hòa nhập nói riêng và học sinh khuyết tật nói chung vẫn chưa có bất kì “quyển sách quốc dân” nào. Khi dạy trẻ khuyết tật học hoà nhập tiểu học, cá nhân tôi cũng bám theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Tuy nhiên, vẫn giữ tiêu chí “nương theo trẻ”.

Có nghĩa là, mình vẫn sử dụng học liệu chính là sách giáo khoa được biên soạn theo Chương trình GDPT mới nhưng có điều chỉnh và giảm tải. Điều chỉnh như thế nào thì lại phụ thuộc vào học sinh. Có khi 1 tiết của học sinh tiểu học thì với trẻ hòa nhập có thể học thành 2 - 3 tiết. Nhà trường cũng rất tạo điều kiện cho giáo viên nên khi dạy và điều chỉnh chương trình, tôi hoàn toàn được lựa chọn dựa trên sự nhận thức của đa số học sinh trong lớp”, cô Thu Nga chia sẻ.

Trước những khó khăn về đối tượng học, học liệu và chương trình dạy, cô Nga luôn tự nhủ phải tự học thông qua nhiều kênh khác nhau. Ví dụ, học Công nghệ thông tin để tạo ra các bài giảng thú vị, thu hút được sự chú ý của học sinh hòa nhập; học các khoá học để trau dồi chuyên môn bản thân vì GDĐB giống như dòng nước sẽ thay đổi mỗi ngày, không học sẽ dễ dàng bị trôi theo dòng nước; học cách chia sẻ với đồng nghiệp, với người xung quanh để có thể hỗ trợ tốt nhất cho trẻ học hòa nhập tiểu học nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung. Học cách lắng nghe để luôn luôn lắng nghe học sinh hay những tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ học sinh vì trước tình hình học qua nền tảng Zoom, phụ huynh sẽ là người thầy cô thứ 2, người đồng hành cùng cô và trò. Giáo viên phải học cách thay đổi để thích ứng và phát triển cùng GDĐB.

Mong muốn trong nghề

Trong tâm trí của cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga, tất cả mọi thứ từ trường, lớp và học sinh hòa nhập đều là những kỉ niệm tuyệt vời. “Tôi góp vào cuộc đời các em một người thầy, chúng góp vào cuộc đời tôi là những niềm vui, hạnh phúc và yêu thương. Những khoảnh khắc chúng tôi bên nhau, cho dù là trực tiếp hay trực tuyến đều là một phần trong cuộc sống của nhau” - cô Nga bộc bạch.

Ngoài ra, cô giáo Thu Nga cho biết, mình cũng như bao thầy cô giáo khác đều mong chờ ngày 20/11 để giao lưu, gặp gỡ đồng nghiệp, thăm lại thầy cô giáo cũ, tụ họp bạn bè, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Cô Nga cũng mong ước được gặp lại các học trò cũ của mình. Dù biết là khó gặp lại các trò, nên điều duy nhất cô mong muốn là học sinh hòa nhập luôn bình an và hoà nhập được cuộc sống.

Chị Đào Thị Chinh Hương, phụ huynh lớp 2B2 Trường Tiểu học Bình Minh bày tỏ sự ấn tượng với phương pháp giảng dạy của cô Thu Nga. Dù là giáo viên trẻ nhưng thông qua những buổi học online cùng con, chị Hương cảm nhận được sự nhiệt tâm, hết mình của cô dành cho các học trò. Sau hơn 2 tháng học trực tuyến đến nay, con của chị đã học thêm được nhiều kỹ năng, nhớ và kể tên được những việc trong quá khứ cũng như biết làm toán.

“Chứng kiến sự thay đổi và tiến bộ ngày một rõ rệt của con, gia đình tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn các cô giáo. Các cô đã dạy các con không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim. Chúng tôi chỉ mong muốn dịch bệnh mau qua để cô trò cùng đến lớp, được tham gia nhiều hoạt động khác chứ không chỉ ngồi bên máy tính như hiện giờ” - chị Hương xúc động nói.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh cho hay, dù là một giáo viên trẻ nhưng cô Thu Nga luôn tận tâm với nghề và có tinh thần học hỏi rất cao. Để giúp những thầy cô dạy trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập bớt đi những nhọc nhằn, yên tâm gắn bó với nghề, nhà trường luôn mong muốn nhận được sự đồng hành của tất cả các phụ huynh, sự quan tâm của các tổ chức để cùng phối kết hợp trong quá trình dạy học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.