Chị Dương Thị Hồng, nhân viên văn phòng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có hai con, cháu lớn học lớp 3 nhưng cháu bé mới 3 tuổi. Từ khi trường mầm non đóng cửa, con trẻ không được tới lớp đã kéo theo nhiều bất tiện. Do không có người giúp việc hay người nhà nên thời gian qua, vợ chồng chị phải luân phiên làm việc ở nhà để trông cháu nhỏ. Giờ đây chồng chị có công việc mới và phải đi làm cả ngày. Vợ chồng thống nhất sẽ gửi con cho cô giáo dạy lớp mầm non ngay cạnh nhà.
Cùng hoàn cảnh trên, anh Nguyễn Văn Dũng trú huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho con trai 4 tuổi của mình tới nhà của cô giáo dạy mầm non cạnh nhà để nhờ trông hộ. Cô giáo chỉ trông khoảng 5 cháu từ 3 tuổi trở lên và không thu tiền. Hàng ngày bố mẹ gửi con đến nhà để cô trông, dạy các bài hát, kỹ năng như trên lớp. Phụ huynh sẽ gửi cô một chút kinh phí để cô mua thức ăn cho các cháu. Vừa là họ hàng lại ở gần nhà nên các phụ huynh rất tin tưởng.
Dưới góc độ quản lý, ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì (Hà Nội) cho rằng: Nhu cầu gửi trẻ mầm non trong mùa dịch ở một số phụ huynh là có thật khi gia đình không bố trí được người trông trẻ. Tuy nhiên, theo quy định của thành phố, tất cả giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục mầm non công lập hay tư thục không được phép trông trẻ tại nhà. Nếu cơ sở nào cố tình vi phạm và mở cửa đón trẻ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Nam Định, việc tổ chức dạy học được kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến ở từng địa bàn có các mức độ dịch khác nhau. Ông Đoàn Quang Vụ - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trực cho hay: Toàn huyện có 7.797 học sinh phải học trực tuyến do nằm trong khu vực có nguy cơ dịch bệnh. Với cấp mầm non, nếu giáo viên và trẻ không nằm trong diện F1, F2 ở cùng trên khu vực vùng nguy cơ thì có thể trông trẻ tại nhà.