Giải pháp căn cơ

GD&TĐ -  Ngành GD-ĐT TPHCM đang khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu về tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Là địa phương được Bộ GD&ĐT chọn thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi, những ngày này, song song với công tác truyền thông, ngành GD-ĐT TPHCM đang khẩn trương rà soát, cập nhật số liệu về tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường.

Dựa trên số liệu này, Sở GD&ĐT sẽ xem xét, lựa chọn trường, địa phương thực hiện thí điểm trong thời gian tới. Theo đó, các trường đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ triển khai ngay trong năm học này, không phân biệt trường công, tư.

Trước chủ trương phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi, đa số các trường, đặc biệt ở khu vực nội thành TPHCM, đều khá tự tin về mặt tổ chức cũng như chuyên môn nếu được giao nhiệm vụ. Bởi TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 312 phường, xã từ năm 2014.

Năm 2021, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp ở TPHCM đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 99,7%. Kinh nghiệm phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 2014 đến nay giúp các trường có nhiều điều kiện để triển khai thí điểm phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi.

Tuy vậy, những khó khăn, thách thức của TPHCM trong việc lùi độ tuổi phổ cập mầm non cũng không phải ít. Dù được đầu tư tốt hơn các địa phương khác nhưng trước áp lực tăng dân số cơ học, bài toán thiếu giáo viên, phòng học vẫn chưa có lời giải. Đặc biệt, ở khu vực ngoại thành, vùng khó khăn, công tác huy động trẻ đến trường khá gian nan, như ở huyện Cần Giờ chỉ có khoảng 30% trẻ dưới 5 tuổi ra lớp.

Những thách thức ở TPHCM, nơi có điều kiện kinh tế xã hội tốt mà như thế, thì ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc… hành trình phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi còn gian nan hơn bội phần. Tỉnh miền núi Lào Cai cũng mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2022 sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi tại 58 xã, phường, thị trấn; giai đoạn 2023 - 2024 công nhận mới 90 xã, phường, thị trấn; quý I/2025, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Song ngành Giáo dục tỉnh này cũng đang đứng trước bộn bề khó khăn…

Thực tế cho thấy, bên cạnh những khó khăn như nhận thức, tâm lý, điều kiện kinh tế của người dân, tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ, để triển khai phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi ngành Giáo dục còn phải đối diện với không ít thách thức về cơ chế, chính sách. Đến nay, một số quy định của Trung ương vẫn chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn đề lớn thực tiễn đặt ra.

Chẳng hạn như Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 chưa ban hành; Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (chưa có trong Luật Giáo dục 2019); cơ chế xã hội hóa dạy học 2 buổi/ngày; chuyển đổi các trường mầm non công lập ra ngoài công lập ở nơi có khả năng xã hội hóa cao; chính sách cho trẻ mầm non vùng khó khăn; biên chế giáo viên trong bối cảnh quy mô giáo dục tăng nhanh…

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi là cần thiết trong bối cảnh cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi từ năm 2017. Trẻ đi học càng sớm sẽ được tiếp cận giáo dục sớm, được giáo viên rèn vào nền nếp, giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Không chỉ được học hỏi từ các cô, đến trường sớm, trẻ còn được vui chơi với bạn bè, phát triển toàn diện, sớm có nền tảng tốt cho các giai đọan phát triển tiếp theo.

Vấn đề quan trọng nhất là sớm có giải pháp căn cơ ở tầm vĩ mô để tháo gỡ những khó khăn mà ngành Giáo dục đang đối diện. Hy vọng đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm được Chính phủ phê duyệt, với những chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể và toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ