Phát huy những thành tựu đạt được, các cơ sở mầm non vẫn đang nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (3-4 tuổi).
Chủ trương đúng đắn
Hiện nay, ở bậc mầm non, việc thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi đã được thực hiện trên toàn quốc từ nhiều năm nay và cho kết quả tích cực, với tỉ lệ trẻ mầm non 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ cao.
Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” giai đoạn 2023-2030 vào hồi tháng 3-2022.
Theo chia sẻ của bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM, TP đang gấp rút chuẩn bị để trở thành địa phương có thể thí điểm phổ cập giáo dục cho trẻ 3, 4 tuổi trong năm học 2022-2023 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Theo đó, bậc giáo dục mầm non TPHCM có nhiệm vụ chuẩn bị thật kỹ về cơ sở vật chất, nhân lực và lên các phương án lựa chọn quận, huyện, trường để sẵn sàng cho công tác thí điểm phổ cập giáo dục cho trẻ 3, 4 tuổi.
Cũng theo bà Điệp, đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT đã đến TPHCM làm việc về công tác thí điểm phổ cập giáo dục mầm non 3, 4 tuổi tại địa phương. “Việc phổ cập giáo dục mầm non 3, 4 tuổi là chủ trương hết sức đúng đắn nhưng đó cũng là nhiệm vụ cần phải chuẩn bị thật chu đáo, cẩn thận để làm tốt nhất trước khi triển khai đại trà. Vì vậy bậc mầm non TPHCM coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng như tất cả giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị tốt nhất để thực hiện”, bà Điệp thông tin.
Được biết, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục mầm non TPHCM đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể trong năm học mới, ngành giáo dục mầm non TPHCM tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh-an toàn-thân thiện trong các cơ sở giáo dục mầm non”; tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP liên quan đến giáo dục mầm non; tiếp tục thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tuyệt đối cho trẻ.
Ngoài ra, ngành giáo dục mầm non TPHCM còn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1; hướng đến triển khai thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục mầm non cũng sẽ quan tâm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, ngành tiếp tục triển khai kế hoạch chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; triển khai các kế hoạch, đề án, chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Đặc biệt, ngành giáo dục mầm non sẽ tiếp tục tăng cường công tác chuyển đổi số trong quản lý giáo dục mầm non; thực hiện tốt công tác phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ, cộng đồng và tăng cường tuyên truyền đổi mới giáo dục mầm non.
Nỗ lực chuẩn bị tốt mọi điều kiện
Thời gian qua ngành Giáo dục mầm non TPHCM đang nỗ lực đầu tư xây dựng trường lớp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy học. Riêng trong năm học 2021-2022, công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cũng vượt chỉ tiêu đề ra so với kế hoạch (tăng 27 trường thay vì 15 trường).
Giáo viên Trường Tiểu học Thạnh An hướng dẫn trẻ học bài. |
Bên cạnh đó, nhiều chế độ hỗ trợ, chính sách phát triển giáo dục mầm non được TP ban hành; công tác chuyển đổi số được phát huy mạnh mẽ trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và quản lý điều hành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, đẩy mạnh cập nhập mã định danh cho trẻ.
Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ là địa phương khó khăn nhất của TPHCM. Giao thông đi đến địa phương này duy nhất chỉ có bằng đường thuỷ. Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh An, trường hiện có 136 trẻ chia làm 5 lớp. Trong đó có 1 lớp nhà trẻ, 1 lớp chồi, 1 lớp mầm và 2 lớp lá. Cơ sở vật chất của trường luôn đảm bảo công tác dạy và học cho toàn trẻ trong các độ tuổi trên địa bàn xã.
Tuy nhiên cũng theo chia sẻ của cô Thắm, khó khăn hiện nay là việc huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp. Cụ thể từ trước tới nay trẻ 3-4 tuổi theo học tại trường chỉ chiếm khoảng hơn 50% số trẻ của toàn xã. Nguyên nhân là do ở địa phương người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt trên biển, hàng ngày người chồng ra khơi, còn vợ ở nhà chăm con, không đưa con đến trường học vì nghĩ con mình còn nhỏ.
“Hàng năm UBND xã Thạnh An triển khai đến các trưởng ấp để vận động trẻ ở các lứa tuổi ra lớp. Qua đó nhà trường nắm danh sách trẻ trên địa bàn sau đó thống kê số lượng đến học tập tại trường. Đối với những cháu chưa ra lớp chúng tôi phối hợp với ban vận động của xã tiếp tục vận động đến trường”, cô Thắm cho hay.
Cũng theo chia sẻ của cô Thắm, nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non, các giáo viên và ban giám hiệu Trường mầm non Thạnh An luôn cố gắng, quyết tâm thay đổi.
Chặng đường vừa qua, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã đạt được nhiều thành tựu và đó sẽ là tiền đề, là động lực để nhà trường hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn xã đảo.
Tại hội nghị tổng kết công tác giáo dục mầm non năm học 2021-2022 vào ngày 30/8/2022, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị ngành Giáo dục Mầm non TP cần quan tâm để hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức trong tâm thế sẵn sàng để phổ cập mầm non 3, 4 tuổi. Ngoài ra, ngành cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học; chú trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn mới để đạt chuẩn và trên chuẩn; cần làm tốt công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục mầm non.