Gian nan nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non đã và đang được các trường học nỗ lực triển khai, thực hiện.

Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non đang từng bước được nâng lên.
Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non đang từng bước được nâng lên.

Nỗ lực huy động trẻ đến trường

Trường Mầm non Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là trường thuộc vùng miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn ít so với nhu cầu. Tuy nhiên, những năm qua chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã đạt được những kết quả tích cực.

Năm học 2021 – 2022, tỷ lệ huy động trẻ mầm non tuổi đến trường đạt 100%. Học sinh còn được đảm bảo các điều kiện về thể chất và tinh thần, trẻ được ăn bán trú tại trường.

Cô giáo Lương Thị Cúc, Hiệu trưởng trường mầm non Bằng Cốc chia sẻ: Trường Mầm non xã Bằng Cốc có một điểm trung tâm và một điểm lẻ với tổng số học sinh là 173 và số học sinh 5 tuổi là 51 em. Những năm qua, chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi luôn đạt tỷ lệ 100%.

Để có được kết quả nói trên, nhà trường đã huy động và tập trung nhiều nguồn lực nhằm duy trì chất lượng phổ cập giáo dục. Cụ thể, nhà trường và cán bộ giáo viên rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động động phụ huynh đưa trẻ đến trường. Phân công giáo viên phụ trách từng hộ gia đình ở từng thôn xóm, đảm bảo sự chính xác và thường xuyên cập nhật hồ sơ cho trẻ ở trong độ tuổi.

Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt là phối hợp với chính quyền địa phương, ngành y tế và các trường tiểu học trên địa bàn để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Là giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề nhiều năm, cô giáo Nông Thị Bảy, giáo viên trường mầm non Bằng Cốc cho biết: Trong khi ở vùng đồng bằng, học sinh luôn đến trường đầy đủ thì ở các xã vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi việc vận động học sinh tới trường một cách thường xuyên, liên tục lại là một bài toán khó.

Bởi, những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào tiềm thức của các bậc làm cha làm mẹ, nhiều gia đình chưa quan tâm việc học của con cái. Vì vậy, giáo viên phải đến từng thôn, bản vận động, vào rừng tìm học sinh đưa đến trường nhằm bảo đảm sĩ số và duy trì tốt việc dạy và học.

“Việc xây dựng lòng tin yêu đối với học sinh và phụ huynh rất quan trọng, đã nhiều lần chúng tôi băng rừng, lội suối để vào nhà học sinh vận động cha mẹ cho con đến trường nhưng nhiều gia đình không muốn cho con đi học. Có trường hợp thấy giáo viên đến là bỏ chạy, phải vận động nhiều lần, để họ thấy được những quyền lợi, hiểu được giá trị của việc học tập, cảm thấy yên tâm mới cho con đi học lại” - cô Bảy chia sẻ thêm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận động trẻ tới lớp, tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non đặc biệt là trẻ em 5 tuổi, nên các thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, luôn cố gắng, quyết tâm để làm sao chất lượng giáo dục được nâng lên, trẻ được đến trường không chỉ được học tập, vui chơi mà còn có môi trường tốt để phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ.

Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Tại trường Mầm non Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, nhiều giáo viên cho rằng để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường cần phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…

Cô giáo Vũ Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Mầm non Lăng Can, thị trấn Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hiện nay, nhà trường có tổng số 454 trẻ, trong đó có 132 em lớp 5 tuổi. Việc huy động trẻ 5 tuổi tới trường rất quan trọng, để các em dần quen với môi trường tập thể, môi trường học tập và môi trường rèn luyện kỷ cương, qua đây giúp trẻ tự tin, vững vàng bước vào lớp 1.

Học sinh 5 tuổi được đến trường Tiểu học để làm quen với môi trường mới.

Học sinh 5 tuổi được đến trường Tiểu học để làm quen với môi trường mới.

Đối với các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì điều đó càng có ý nghĩa, bởi nhận thức của trẻ trên địa bàn không đồng đều do điều kiện sống, trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm sẽ giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng, tăng cường thể chất và kiến thức đồng đều là hành trang cho những năm học tiếp theo.

Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập giáo dục mầm non, các thầy cô giáo đều có chung mong muốn đó là tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng như: nâng cấp, sửa chữa phòng học, xây mới cải tạo công trình vệ sinh, mua sắm các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình mới.

Song song với việc đảm bảo điều kiện về sơ sở vật chất trường lớp học thì cũng cần bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên.

Có thể nói, thời gian qua kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tại các trường vùng khó, vùng sâu vùng xa, các tỉnh miền núi đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững phổ cập rất cần sự chung sức, quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ