Đừng mở rồi vội đóng

GD&TĐ - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các trường học trên cả nước đã tổ chức dạy học trực tiếp được gần một tuần.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đúng như dự báo, trở lại trường sau Tết, số lượng học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19 nhiều nơi tăng cao. Thanh Hóa có khoảng 1.200 giáo viên, học sinh nhiễm bệnh; Hà Tĩnh có khoảng 50 giáo viên và 331 học sinh là F0. Chỉ riêng huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có tới 47 giáo viên và 111 học sinh dương tính với SARS-CoV-2…

Để hỗ trợ trường học ứng phó tốt với các ca F0 khi mở cửa, ngày 27/1, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học sửa đổi, bổ sung từ cuốn sổ tay ban hành một năm trước. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Tổ chức Y tế Thế giới.

Thực hiện theo sổ tay hướng dẫn này, thời gian qua các nhà trường khá bình tĩnh trước ca phát sinh trong học đường. Đa số cơ sở giáo dục khi phát hiện có ca nhiễm đã nỗ lực khoanh vùng hẹp nhất, thường chỉ đóng cửa một lớp. Gần đây, với tinh thần nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể, ở một số địa phương có bề dày kinh nghiệm chống dịch, nhà trường còn không đóng cửa cả lớp học.

Ở Hà Nội và TPHCM,  khi có F0, giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ rà soát, bóc tách những em thuộc diện F1 tiếp xúc gần với F0 đưa đi xét nghiệm và cách ly tại nhà, bố trí học trực tuyến. Số học sinh còn lại trong lớp sau khi xác định không tiếp xúc gần với F0 có thể học trực tiếp bình thường.

Mặc dù, quy trình ứng phó F0 được hướng dẫn kỹ lưỡng, song trên thực tế một vài địa phương, nhà trường khi có học sinh, giáo viên F0, lại không giữ được sự bình tĩnh. Không ít phụ huynh vừa nghe trường học có ca nhiễm đã vội vàng cho con nghỉ ở nhà, dù con em mình không hề tiếp xúc trực tiếp. Lại có trường chỉ một hai ca F0 đã vội vàng đóng cửa. Thế là học sinh vừa háo hức đi học được ít ngày lại trở về nhà ôm máy học online, học qua hình thức giao bài. Cách đóng mở cửa trường vội vàng này gây tác hại rất lớn. Không chỉ mất ổn định trong tổ chức dạy học, mà còn tạo tâm lý hoang mang, mất niềm tin của giáo viên, phụ huynh, nhất là học sinh.

Không phải ngẫu nhiên mà UNICEF và UNESCO khuyến cáo, trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học. Thích ứng linh hoạt, an toàn trong việc mở cửa trường học ở thời điểm này là lựa chọn tối ưu nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục gặp áp lực rất lớn, nhất là trong đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh. Chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), từng nhấn mạnh: “Việc mở lại trường học, đừng mơ không có F0!”.

Một khi đã mở cửa, việc giữ được sự bình tĩnh, ứng xử khoa học, hiểu biết với F0, không rối lên với phong tỏa, cách ly rất cần thiết để tránh những tác động nguy hiểm đến thầy, trò và gia đình. Nghị quyết 128 của Chính phủ chủ trương nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đặc biệt lưu ý các cơ sở giáo dục về điều này. Vì thế, để mở cửa trường an toàn, tránh mở rồi lại đóng, song song với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án đảm bảo an toàn và quy trình xử lý khi phát hiện F0, rất cần sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình. Khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp, cùng với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của cơ quan y tế, nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học, mọi việc xử lý vẫn hiệu quả, trẻ vẫn mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ