Mở cửa trường học: Cần gia đình và xã hội đồng hành giám sát

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, mở cửa trường học là cần thiết, nhằm tránh những hệ lụy từ việc học sinh không được đến trường quá lâu. Việc này cần có sự giám sát của phụ huynh và xã hội.

Cô – trò trở lại với bục giảng, phấn trắng, bảng đen.
Cô – trò trở lại với bục giảng, phấn trắng, bảng đen.

Đến trường - quyền cơ bản của trẻ em

“Trẻ chỉ bình thường khi được điều hòa hoạt động. Cần mạnh dạn cho trẻ đi học trực tiếp. Tuy nhiên, nhà trường nên dành tuần đầu tiên để giúp trẻ thích ứng; đồng thời tập trung hỗ trợ các vấn đề cảm xúc, hành vi của trẻ trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, gia đình chuẩn bị tâm thế, thói quen đi học cho con em mình” - TS Hoàng Trung Học khuyến cáo.

Theo kết quả nghiên cứu của TS Hoàng Trung học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian học trực tuyến do Covid-19 rất đáng quan ngại và ở mức mức báo động. Điều này xuất phát từ việc không đến trường trong thời gian quá lâu. Do đó, một trong những giải pháp hữu hiệu là, học sinh cần sớm được trả về môi trường học đường.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) – cho rằng: Vấn đề mở cửa trường học được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, khi học sinh quay trở lại trường cần có giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch, đồng thời có chiến lược tiêm vắc-xin cả trước mắt và lâu dài. Mặt khác, cần có giải pháp khắc phục sang chấn tâm lý, bù đắp các thiếu hụt về kiến thức khi các em học trực tuyến trong thời gian dài.

Cho rằng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có cơ chế về việc mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán, đón học sinh học trở lại trực tiếp, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) – nhấn mạnh: Việc còn lại, các địa phương cần có phương án triển khai cụ thể. Theo đó, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, quyết tâm mở cửa trường học an toàn. Địa phương nào đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm cần có chế tài xử lý.

Đặt vấn đề về việc giám sát mở cửa trường học, bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV – trao đổi: Cần giám sát các tiêu chí, điều kiện dạy – học của thầy – trò có bảo đảm an toàn về phòng chống dịch hay không? Nếu chưa đủ phải có giải pháp hỗ trợ để các cơ sở giáo dục tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; từ đó phụ huynh yên tâm cho con em đến trường.

Ngoài ra, với những địa phương, cơ sở giáo dục đã đủ điều kiện để mở cửa trường học cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT. “Đến trường là một trong những quyền cơ bản của trẻ em. Vì thế, địa phương cần có trách nhiệm thực thi quyền lợi chính đáng này. Hội đồng nhân dân các cấp cần giám sát việc này để kịp thời kiến nghị đến cấp có thẩm quyền” – bà Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh.

Học sinh Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: NTCC

Phòng dịch từ nhà đến trường

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) – cho rằng: Chúng ta phải chấp nhận sống chung với Covid-19 và phải thích ứng an toàn với dịch bệnh. Do đó, khi mở cửa trường học, các địa phương cần có biện pháp để thích ứng an toàn; trong đó chú trọng giải pháp 5K và vắc-xin...

Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cần trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức, kiểm tra, khảo sát và giám sát để việc mở cửa trường học được thực hiện an toàn. Các địa phương phải cam kết thực hiện hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể cho cơ sở giáo dục về việc mở cửa trường học và cùng chung tay với nhà trường trong việc thực hiện giải pháp mở cửa trường học an toàn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội khoá XV - nhấn mạnh: Phải chú ý phòng dịch không chỉ ở nhà trường mà ở cả gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải có ý thức tuân thủ 5K để bảo vệ bản thân, con em mình và cả trường nơi con mình theo học.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - UNICEF cũng khuyến cáo, nhà trường cần lập kế hoạch từ trước và xác định những biện pháp cần bổ sung, nhằm đảm bảo an toàn học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên khi họ quay trở lại và khi cộng đồng cảm thấy tự tin với việc cho trẻ quay trở lại trường học.

Chắc chắn việc đi học trở lại ở thời điểm hiện tại sẽ không giống như như trước đây. Có thể trường học sẽ chỉ mở cửa một thời gian, sau đó lại đóng cửa tạm thời theo quyết định của chính quyền địa phương tùy vào bối cảnh cụ thể.  Trước tình hình diễn biến khó lường, các chính quyền sẽ cần linh hoạt và sẵn sàng thích ứng để đảm bảo an toàn cho mọi trẻ em.

Về vấn đề bảo đảm phòng dịch khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh chỉ đạo sở Y tế tiếp tục phối hợp với sở GD&ĐT xây dựng các kịch bản phòng chống dịch từ gia đình, trên đường đi và ở trường học, khi sinh hoạt ngoài cộng đồng, phù hợp với tình hình dịch của các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định: Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để ban hành những thông báo, nội dung nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT cùng các địa phương sẵn sàng trao đổi, có hướng dẫn với các vấn đề nảy sinh khi đưa hoạt động dạy và học trở lại trực tiếp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.