Địa phương đồng loạt mở cửa trường học: Vùng cao nỗ lực duy trì sĩ số

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các thầy, cô giáo ở vùng cao bắt tay vào việc “đi kéo” học trò trở lại lớp.

Thầy giáo lên bản Xi Lô, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ Tết.
Thầy giáo lên bản Xi Lô, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) vận động học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ Tết.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng là thời điểm các thầy, cô giáo ở vùng cao bắt tay vào việc “đi kéo” học trò trở lại lớp.

Tìm trò sau Tết

Trường PTDTBT THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nằm ở trung tâm xã. Khoảng cách từ điểm trường chính về bản xa nhất của xã Mường Lý có nơi lên đến 20km. Bản Sài Khao là địa điểm xa xôi, khó khăn nhất của xã Mường Lý, vì thế, HS ở bản này mỗi khi tới trường để học chữ, thì bố mẹ hoặc người thân phải đưa các em xuống núi.

Theo em Vàng Thị Tồng, học sinh lớp 8A, nhà ở bản Sài Khao (Mường Lý, Mường Lát, Thanh Hóa), từ mùng 6 Tết, thầy giáo lên tận nhà để động viên, nhắc nhở thời gian đến trường học đúng thời gian. Tồng cũng hiểu rằng, em phải xuống trường học, nếu không sẽ không theo kịp các bạn trong lớp.

Thầy Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Mường Lý cho biết: Sau kỳ nghỉ Tết, HS của nhà trường trở lại lớp học vẫn chưa đầy đủ, do đó, nhà trường phải phân công giáo viên đến từng gia đình ở các bản để vận động HS đến lớp.

“Phong tục, tập quán của đồng bào Mông là ăn Tết, vui Xuân kéo dài. Vì thế, HS ở các bản cũng có tâm lý không muốn trở lại trường học sớm. Giáo viên nhà trường phải đi vận động các em trở lại trường” - thầy Xuân cho biết và nhấn mạnh: Để khắc phục tình trạng HS trở lại trường học muộn sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đề nghị UBND xã yêu cầu các trưởng bản tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân quan tâm, nhắc nhở các em đến lớp. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đi đến từng hộ dân để vận động các em tới lớp.

Tâm sự về câu chuyện gọi trò ra lớp sau Tết Nguyên đán, thầy Nguyễn Văn Quý – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Mường Lý cũng cho hay: “Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết, chúng tôi đều phải phân công nhau đi vận động HS trở lại trường. Năm nay, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng ở địa phương, nhiều học sinh phải cách ly ở nhà dài ngày. Vì vậy, sau Tết, tâm lý HS cũng bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, ban giám hiệu động viên thầy, cô phải cố gắng mà đi vận động các em để duy trì sĩ số lớp học”.

Học sinh Trường PTDTBT - THCS Mường Lý đến lớp buổi đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
Học sinh Trường PTDTBT - THCS Mường Lý đến lớp buổi đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Nhiều trường vắng học sinh

Ngày 7/2, các cấp học tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên) mở cửa đón học sinh trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, số lượng học sinh có mặt trong ngày đầu còn hạn chế. Thậm chí, một số trường vẫn chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp.

“Trước Tết, tình hình dịch ở Tủa Chùa căng thẳng, nhiều cha mẹ đến trường xin cho con về nghỉ sớm. Nhà trường và các cấp phải tuyên truyền, làm công tác tư tưởng nhiều nên cũng đỡ phần nào. Tuy nhiên, một phần tâm lý phụ huynh và học sinh vẫn còn e ngại. Một nguyên nhân khác khiến số lượng học sinh vắng mặt trong ngày đầu nhiều là do mải chơi. Trong khi bà con địa phương vẫn còn phong tục chơi Tết dài ngày, cộng thêm “rào cản” là thời tiết mưa rét, giao thông đi lại khó khăn. Do đó, đến hết ngày 7/2, số học sinh có mặt tại trường chỉ đạt khoảng 30%”, thầy Ngân nói.

Tại Trường Mầm non Tủa Thàng (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa) mặc dù nhà trường mở cửa theo đúng lịch, song vẫn chưa thể tổ chức dạy học do không có học sinh. Cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Toàn bộ cán bộ, giáo viên đã có mặt tại trường từ ngày 6/2 để làm công tác chuẩn bị. Đến sáng 7/2, công tác dọn vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị các điều kiện phòng dịch đã hoàn tất, sẵn sàng đón học sinh ra lớp. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không đón được cháu nào. Tủa Thàng hiện có 5 cơ sở trường học đều ghi nhận có F0 nên cũng trong tình trạng tương tự”, cô Phương nói.

Còn tại Trường PTDTBT THCS Trung Thu, năm học này có 299 học sinh (250 em bán trú). Theo thầy Ngô Sơn Ngân – Hiệu trưởng nhà trường, sáng 7/2 chỉ có lác đác học sinh đến trường.

Mặc dù không nằm trong vùng dịch, song số lượng học sinh có mặt tại Trường Mầm non Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) trong ngày đầu mở cửa cũng chưa đảm bảo. Cô Lê Thị Điệp, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hết buổi sáng ngày đầu tiên, số học sinh các lớp mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi đạt 100%. Song nhóm mầm non vẫn chưa tới lớp.

“Hiện vào mùa nương nên bà con cũng muốn cho con tới lớp. Nhưng vì thực hiện chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện, nhà trường chưa tổ chức nấu ăn cho học sinh trong tuần đầu. Vì thế nhiều phụ huynh không đưa con đến lớp bởi gặp nhiều bất tiện”, cô Điệp nói.

Tại Trường Tiểu học Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) đến hết sáng ngày 7/2 có 852/961 học sinh đến trường. Trong số hơn 100 em vắng mặt có 35 học sinh theo dõi sức khỏe do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 và ở quê lên; 54 học sinh ốm và nhà có việc riêng, 20 học sinh nghỉ không lý do.

 “Số lượng học sinh chưa đến trường khá đông, nhiều phụ huynh tự cho con ở nhà do sợ dịch Covid-19. Bởi vậy, nhà trường đã kiến nghị với Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cùng phối hợp để vận động học sinh ra lớp. Làm sao để nhanh chóng đảm bảo về số lượng và tỷ lệ chuyên cần theo khung kế hoạch năm học”, thầy Đào Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

Việc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú vẫn được thực hiện tại một số trường, song các quy định an toàn dịch được thắt chặt.
Việc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú vẫn được thực hiện tại một số trường, song các quy định an toàn dịch được thắt chặt.

Không để việc học gián đoạn

Cùng chung thực trạng này, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) trong ngày đầu mở cửa chỉ có khoảng 60% học sinh có mặt. Theo thầy Hiệu trưởng Cà Văn Sơn, để ổn định và không gián đoạn việc học, nhà trường vẫn tổ chức giảng dạy trực tiếp theo đúng lịch.

“Chúng tôi triển khai song song cả 2 nhiệm vụ, vừa dạy học vừa huy động học sinh ra lớp. Quan điểm là có học sinh nào dạy em đó. Giáo viên có lịch đứng lớp vẫn giảng dạy như bình thường, còn những ai chưa có lịch sẽ triển khai thành các nhóm xuống bản huy động học sinh đến lớp”, thầy Sơn cho hay.

Tương tự, Trường Mầm non Mường Chanh, huyện Mai Sơn (Sơn La) mặc dù chỉ đón 200/315 trẻ, song các hoạt động giáo dục vẫn diễn ra theo đúng lịch giảng dạy. Tuy nhiên, theo cô Lê Thị Thanh Tâm – Hiệu trưởng nhà trường, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và chưa cho trẻ ăn bán trú.

“Học sinh chưa đi đầy đủ nên mấy ngày học đầu chủ yếu để cô, trò gặp nhau sau kỳ nghỉ dài ngày và duy trì, ổn định nền nếp học tập. Trẻ cũng được yêu cầu đeo khẩu trang từ nhà. Trước khi vào cổng trường, được đo thân nhiệt, giãn cách và sát khuẩn tay. Đặc biệt, Tết năm nay nhà trường không tổ chức gặp mặt, khai xuân đầu năm”, cô Tâm cho biết thêm.

Còn theo cô Trần Thị Phương, toàn bộ giáo viên Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 đang được chia thành các nhóm theo từng cụm bản. Nhiệm vụ là trực tiếp đến tận nhà học sinh, vừa để giao bài, giao video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, dạy trẻ tại nhà. Đồng thời nắm bắt tình hình, sàng lọc và huy động học sinh ra lớp.

“Chúng tôi nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, đồng thời xin ý kiến ban chỉ đạo, triển khai các phương án đồng bộ làm sao để học sinh đến trường học trực tiếp đầy đủ, ổn định trong thời gian sớm nhất”, cô Phương nói.

Đối với Trường PTDTBT THCS Trung Thu, theo chia sẻ từ thầy Hiệu trưởng, ngày 8/2 tổ chức giảng dạy trực tiếp. “Có bao nhiêu học sinh thì dạy bấy nhiêu. Đối với học sinh nhập trường muộn, giáo viên đều có kế hoạch dạy bù kiến thức cho các em để đảm bảo theo lịch học chung”, thầy Ngân bộc bạch.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát (Thanh Hóa), số học sinh trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đạt sĩ số khoảng 90%. So với những năm trước, tỷ lệ học sinh trở lại lớp học sau Tết là đông hơn.

“Mặc dù, có nhiều HS ở rất xa, trong đó  bản Tà Kóm cách trường hơn 50 km, nhưng tính đến cuối ngày 7/2, nhà trường đã có hơn 90% HS trở lại lớp học bình thường. So với mọi năm, năm nay số HS của trường trở lại lớp học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là đông đủ hơn cả. Để đạt được sĩ số như vậy là do nhà trường rút kinh nghiệm những năm về trước. Đó là, khoảng ngày mùng 4 Tết, các thầy giáo tranh thủ đến thăm, chúc tết gia đình HS, đồng thời vận động cha mẹ cho các em tới lớp đúng lịch, vì vậy HS được phụ huynh sắp xếp thời gian đưa con đến trường học” – thầy Nguyễn Duy Thủy – Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Trung Lý (Mường Lát,Thanh Hóa) cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa (Điện Biên): “Hiện, tình hình dịch Covid-19 tại địa phương vẫn còn phức tạp, mỗi ngày đều ghi nhận ca nhiễm mới, trong đó, có nhiều ca ngoài cộng đồng. Đặc biệt là tại 2 xã Xá Nhè và Tủa Thàng nên chúng tôi yêu cầu các trường học hết sức thận trọng để mở cửa trường học an toàn. Đối với một số trường đang được trưng tập làm khu cách ly và điều trị F0, phòng đang có ý kiến với chính quyền địa phương tính toán, sắp xếp để trả lại cơ sở cho các trường triển khai dạy học trực tiếp trong thời gian sớm nhất”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.