Địa phương đồng loạt mở cửa trường học: Thầy cô đồng hành, phụ huynh chia sẻ

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết dài, học sinh thường gặp khó khăn trong bắt nhịp lại với việc học, nhất là khi chuyển đổi sang hình thức học trực tiếp; do đó sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô rất cần thiết lúc này.

Giờ học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết của thầy trò Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình).
Giờ học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết của thầy trò Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình).

Khắc phục sức ỳ, thói quen học trực tuyến

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) chỉ ra 2 khó khăn khi học sinh quay trở lại trường, đó là: Sức ỳ có thể tăng lên sau kỳ nghỉ Tết khá dài; tâm lý e ngại dịch bệnh nên khả năng tập trung của học sinh trong giờ học có thể giảm so với trước đây.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) thì lo ngại khi một số học sinh sẽ có tâm lý không thích học trực tiếp khi đã quen với việc học trực tuyến ít bị kiểm soát. Điều này cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của gia đình và sự khéo léo động viên, nắm bắt kịp thời của giáo viên bộ môn, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Bên cạnh đó, một số học sinh sẽ khó khăn trong nắm bắt kiến thức mới khi mà các kiến thức cũ còn nắm chưa vững nên cần giải pháp để ôn bài cũ, từng bước dạy nội dung mới. Đặc biệt, dịch vẫn diễn biến phức tạp, có thể lây nhiễm trong trường học, đòi hỏi mỗi gia đình, học sinh và nhà trường phải có giải pháp, kịch bản hợp lý để phòng tránh và xử lý tình huống có thể xảy ra trong quá trình học trực tiếp.

Theo thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên Trường PTDTNT THPT Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, trong kỳ nghỉ Tết học sinh không phải lo làm bài tập, không lo bị thầy cô kiểm tra, bố mẹ giục học bài mỗi ngày... Các em thường đi ngủ muộn và dậy muộn hơn, ăn uống cũng không đúng giờ, sinh hoạt có nhiều thay đổi so với ngày thường. Với thói quen sinh hoạt đó đồng hồ sinh học có chút thay đổi nên các em sẽ khó khăn trong việc dậy sớm đi học; hơn nữa khi đến lớp tâm trạng còn lơ mơ, đầu óc chưa tỉnh táo. Đặc biệt là khi chuyển đổi sang hình thức học trực tiếp, yêu cầu học sinh phải đến trường đúng giờ thì việc đi học trở lại sau nghỉ Tết lại càng khó khăn hơn.

“Sau một thời gian dài học online và nghỉ lễ, khi đi học trở lại, trẻ có thể xuất hiện tâm lý chán nản, lo lắng, hoang mang, vui buồn thất thường, hay quên, nghiện game. Thậm chí, có những trẻ còn tự làm đau mình do những khó khăn về tâm lý không được giải tỏa. Nhất là với những em phải trải qua nỗi đau do mất mát người thân, hoặc kinh tế gia đình giảm sút do cha mẹ mất việc” – chuyên gia Trần Thị Loan chia sẻ.

Nói về những vấn đề mà học sinh có thể gặp phải, chuyên gia Trần Thị Loan - giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - nhắc đến đầu tiên là khó khăn trong việc thực hiện nội quy lớp học. Sẽ có bạn đi học muộn, nghỉ học, ngủ gật vì quen với việc học online ở nhà chỉ mất 5 phút là vào được lớp.

Các em cũng có thể gặp khó khăn trong tiếp cận bài giảng, vì phương pháp dạy học online khác với trực tiếp. Đặc biệt, với học sinh vốn thiếu tập trung khi học online, khi quay lại trạng thái học tập bình thường sẽ có những hụt hẫng, xáo trộn nhất định. Ngoài ra, học sinh sẽ khó khăn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè vì có một khoảng thời gian dài không đến trường, đặc biệt là học sinh đầu cấp và những em ngại giao tiếp.

Giờ học của thầy trò Trường THCS Thụy Liên.
Giờ học của thầy trò Trường THCS Thụy Liên.

Không tạo sức ép

Chia sẻ giải pháp, chuyên gia Trần Thị Loan cho rằng: Người lớn trong gia đình, thầy cô (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) cần thừa nhận những cảm xúc và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ; quan sát những biểu hiện của trẻ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn này. Nhà trường tạo ra các hoạt động tập thể để học sinh tham gia, nhanh chóng lấy lại tâm thế hòa nhập với hoạt động của nhà trường và  lớp. Thầy cô cần khái quát lại các nội dung học tập để học sinh nhớ bài cũ, bắt kịp nội dung mới; đồng thời đưa ra lộ trình hợp lý trong giai đoạn tiếp theo. Giáo viên không nên tạo sức ép quá lớn cho học sinh, điều này lại càng làm cho các em hoang mang, lo sợ nhiều hơn. Thay vào đó cần động viên khuyến khích người học, đồng hành cùng học sinh trong từng giai đoạn.

Thầy Trang Minh Thiên thì cho rằng: Bên cạnh biện pháp phòng chống dịch và các phương án xử lý tình huống khi có F0, nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần dành thời gian để tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trước khi các em đến trường. Giáo viên bộ môn dành thời gian ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh trong thời gian học trực tuyến khi đi học trực tiếp trở lại.

Với Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang), dù thời gian qua hầu như học sinh được học trực tiếp (chỉ một số ít phải học online do có yếu tố dịch tễ và cũng chỉ học trong khoảng một tuần là lại được đến trường) nên tâm lý học sinh khá ổn. Tuy nhiên, theo cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh, trong điều kiện dịch bệnh, mọi cơ sở giáo dục đều cần làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, hướng dẫn học sinh ôn tập những kiến thức đã được học. Do dạy học thích ứng với dịch Covid-19, tập trung vào nội dung cốt lõi, vì vậy còn nhiều thời gian để ôn tập kiến thức cho học sinh. Cuối cùng, việc làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, người dạy và người học là vô cùng quan trọng để mang lại hiệu quả dạy học tốt trong thời điểm này.

Nắm bắt được những khó khăn của học sinh, thầy Nguyễn Đức Hồng cho biết: Trường THPT Minh Châu chú trọng nắm bắt sĩ số học sinh, ghi nhận học sinh nghỉ học hoặc bỏ tiết kịp thời. Cùng với đó, rà soát, ôn lại kiến thức cũ để nắm bắt được từng học sinh nắm kiến thức cũ cốt lõi đến đâu để hỗ trợ kịp thời. Với học sinh nắm chưa vững kiến thức, giáo viên bộ môn sẽ hỗ trợ; trường hợp hổng kiến thức nhiều, nhà trường cử giáo viên hỗ trợ giảng giải những kiến thức mà các em nắm chưa vững. Trường đồng thời tuân thủ nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch của cấp trên, xây dựng các kịch bản khi có học sinh diện F, tư vấn và phối hợp với phụ huynh cùng tham gia hỗ trợ học sinh trong trường.

Trong các hướng dẫn của ngành Giáo dục dành cho sở, các trường, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý đến việc làm sao tạo hứng thú cho học sinh khi quay trở lại trường. Cũng cần có những hỗ trợ để các em làm quen trở lại với cách học, sự tương tác với thầy cô, môi trường nhà trường; hỗ trợ về các yếu tố về mặt tâm lý, sức khỏe, các kỹ năng khi đưa học sinh quay trở lại trường. Đồng thời, phải tính toán đến một thời lượng, lượng kiến thức những ngày đầu vừa đủ để tránh căng thẳng, mệt mỏi và ngại quay trở lại trường. Cần có một số hoạt động khác để tái thích ứng cho học sinh đối với môi trường học tập trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...