Đón học sinh quay lại trường: Tranh thủ thời gian vàng

GD&TĐ - Đón học sinh trở lại, ngoài phòng, chống dịch, các trường còn phải làm nhiều việc như hỗ trợ tâm lý cho HS, khảo sát, ôn tập, củng cố và dạy bổ sung các kiến thức, kỹ năng chưa thể thực hiện khi dạy online.

HS Trường THCS Nguyễn Tri Phương làm bài khảo sát sau khi đến trường học trực tiếp.
HS Trường THCS Nguyễn Tri Phương làm bài khảo sát sau khi đến trường học trực tiếp.

Giáo viên vì vậy phải gánh một khối lượng lớn công việc trong điều kiện mức độ tiếp nhận của từng học sinh trong thời gian học trực tuyến là khác nhau. 

Dạy – học đến đâu, chắc đến đó

Cô Lê Thị Thanh Xuân – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Học sinh khối lớp Một đến trường học trực tiếp từ ngày 20/10 và chỉ học vào buổi sáng thay vì 2 buổi/ngày. Theo kế hoạch dự kiến, giáo viên sẽ có khoảng 2 - 3 buổi để khảo sát, ôn tập, củng cố các kiến thức và kỹ năng trong thời gian học trực tuyến cho học sinh.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, giáo viên khối Một đã đề xuất kéo dài thời gian ôn tập thêm 1 tuần. Với quan điểm dạy đâu biết đó, học đâu chắc đó, học sinh nắm vững kiến thức, làm được bài tập rồi mới chuyển sang hoạt động tiếp theo, nhà trường đã xây dựng lại kế hoạch dạy – học đối với khối lớp Một theo đề xuất của giáo viên”.

Cô Phạm Thị Thu - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường Tiểu học Hòa Bắc - cho biết: “Buổi học đầu tiên, chúng tôi chủ yếu tập cho các em quen với nền nếp, các hoạt động ở lớp, hướng dẫn lại cách cầm bút, tư thế ngồi… Do mức độ nắm bắt bài của học sinh trong thời gian học trực tuyến không đồng đều nhau nên trong tuần ôn tập, củng cố bài cũ, giáo viên khá vất vả. Một số em chưa nắm được âm vần, còn có sự lẫn lộn giữa các âm. Có một vài em chỉ nhớ âm chứ không đọc được tiếng và từ hoặc đọc còn chậm. Tình trạng học sinh viết không đúng ô li còn phổ biến”.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/11, học sinh các khối lớp còn lại của Trường Tiểu học Hòa Bắc đến trường học trực tiếp. Theo cô Lê Thị Thanh Xuân, so với khối lớp Một, các khối lớp khác, học sinh đã quen nền nếp, có sẵn tâm lý thuộc về môi trường học tập trực tiếp nên giáo viên không mất quá nhiều thời gian cho các hoạt động ổn định nền nếp, thói quen học tập. Tuy nhiên, BGH nhà trường xác định sẽ mất khoảng một tuần để giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức cho các em rồi mới bắt đầu kiểm tra giữa kỳ và dạy bài mới.

Sau gần 2 tuần học sinh khối 9 đến trường học trực tiếp, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên, dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn duy trì lớp phụ đạo trái buổi cho một nhóm học sinh. Cô Liên cho biết: “Qua bài khảo sát kiến thức, chúng tôi chia thành 2 nhóm ôn tập. Với những em đã hiểu bài nhiều, chỉ cần giáo viên khái quát lại toàn bộ nội dung đã học; hỗ trợ, đi sâu vào những nội dung các em chưa hiểu hoặc chưa thành thạo. Một lớp khác dành cho những học sinh nội trú và những em bị mất bài do chất lượng đường truyền không ổn định, không tham gia học do không có mạng, không có thiết bị…”.

Cô Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, ngoài dạy – học theo phân phối chương trình, giáo viên sẽ tranh thủ rèn luyện cho học sinh những kỹ năng mà với dạy – học trực tuyến khó hình thành được. “Với môn Ngữ văn, chúng tôi tập trung rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn, xây dựng bài cho các em. Với nội dung văn bản, học sinh sẽ được luyện tập nhiều về kỹ năng đọc hiểu văn bản. Đặc biệt, với những học sinh người dân tộc Cơ Tu, các em sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên các em sẽ được rèn nhiều kỹ năng viết”, cô Liên chia sẻ.

HS Trường Tiểu học Hòa Bắc học tập trực tiếp tại trường.
HS Trường Tiểu học Hòa Bắc học tập trực tiếp tại trường.

Sắp xếp lại sĩ số lớp học trực tiếp

Ngày 1/11, học sinh tiểu học của Khánh Hòa quay trở lại trường. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, ngoài thực hiện nghiêm túc 5K như khuyến cáo của Bộ Y tế, các trường tiểu học ở Khánh Hòa thực hiện phương án chia đôi học sinh mỗi lớp, đảm bảo không quá 30 em và học một buổi/ngày.

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến (thành phố Nha Trang) - cho biết: “Chúng tôi không sử dụng phương án chia đôi lớp học vì như thế, giáo viên sẽ rất vất vả khi phải dạy cả sáng lẫn chiều, với chừng ấy nội dung kiến thức. Nhà trường chọn sắp xếp lại sĩ số lớp học trực tiếp, chia lại lớp trước khi học sinh đến trường, đảm bảo biên chế 30 em/lớp, với khối lớp Một thì không quá 30 em/lớp”.

Theo cô Quỳnh Hoa, việc chia lại lớp sẽ đảm bảo cường độ lao động và giữ sức khỏe cho giáo viên. “Theo quy định số tiết/giáo viên thì thầy cô sẽ vẫn phải dạy vượt giờ. Một số giáo viên dạy bộ môn vẫn đến trường 2 buổi, tuy nhiên, số lượng tiết vượt giờ không nhiều như phương án chia đôi lớp và giáo viên sẽ dạy cả 2 buổi” – cô Quỳnh Hoa so sánh.

Với cách thức tổ chức dạy – học trực tiếp như vậy, Trường Tiểu học Phước Tiến sử dụng hình thức trực tuyến để tổ chức các buổi họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt chuyên môn. “Với khối 1 – 2 - 3 dạy vào buổi sáng, thầy cô kết thúc vào lúc 11 giờ, buổi chiều cũng kết thúc muộn. Sau giờ dạy, nếu giữ giáo viên ở lại trường để tổ chức hội họp thì hiệu quả cũng không cao”, cô Hoa nhận xét.

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã hướng dẫn các trường học tranh thủ thời gian vàng, tổ chức dạy học trực tiếp để giảng dạy những đơn vị kiến thức nào mà khi học trực tuyến khó có thể đạt hiệu quả cao trong hình thành kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Các trường học đã hướng dẫn tổ chuyên môn sắp xếp lại những đơn vị kiến thức có thể dạy học trực tuyến, giao nhiệm vụ cho học sinh hoàn thiện ở nhà. Chính vì vậy, từ ngày 24/10, khi học sinh các trường học ở xã Trà Tập, Trà Mai của huyện Nam Trà My phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch, thì quỹ thời gian dự phòng của các trường vẫn đảm bảo cho việc dừng dạy - học khoảng 3 - 4 tuần. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ