Chỉ mở cửa trường học ở vùng an toàn
Tính đến ngày 12/10/2021, cả nước có 23 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả HS trên địa bàn; 8 tỉnh kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc qua truyền hình; còn 32 tỉnh, thành vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch Covid-19. Một số địa phương triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình đang có động thái để cho HS đi học trở lại trong thời gian tới đây.
Theo dự kiến ban đầu, từ ngày 11/10, Tiền Giang cho HS khối 9, khối 12 thuộc huyện Tân Phú Đông quay trở lại trường học trực tiếp. Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: Dự kiến như vậy vì đây là vùng có vị trí địa lý khá tách biệt, công tác kiểm soát dịch bệnh tốt, 4 tháng nay không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 có nhiều người dân từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… trở về, do đó UBND tỉnh đã thận trọng, chưa quyết định việc này. Như vậy, cho đến nay, HS phổ thông tại Tiền Giang vẫn học trực tuyến.
Chia sẻ về phương án HS quay trở lại trường, theo ông Lê Quang Trí, hướng làm mở từ từ, thí điểm ở vùng an toàn nhất và có ưu tiên theo khối lớp (trước hết là khối 9, 12; sau đó là khối 6, 10; tiếp nữa là khối 1, 2, 5). Để chuẩn bị cho việc học trực tiếp, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã ưu tiên sắp xếp lại khu cách ly để bàn giao cho ngành Giáo dục. Trường được tổng vệ sinh, sửa chữa nhỏ… có sự kiểm tra của UBND huyện (với mầm non, tiểu học, THCS), Sở GD&ĐT (với trường THPT) trước khi HS đi học trở lại.
Tại Bình Dương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phong thông tin: Dự kiến HS quay trở lại trường từ đầu tháng 11/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, HS chưa được tiêm
vắc-xin, đa số phụ huynh không an tâm khi cho HS đến trường, một số trường còn trưng dụng làm khu cách ly, do đó nếu thời gian trên cho học trực tiếp cũng chỉ ở 1 số khu vực, trường vùng an toàn. Ngành Giáo dục Bình Dương đang xây dựng phương án phòng chống dịch đáp ứng trạng thái bình thường mới, trong đó có các giải pháp bảo đảm an toàn cho HS, cán bộ giáo viên khi quay trở lại dạy học trực tiếp.
Chia sẻ từ ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, sáng 13/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu chủ trì cuộc họp với Sở GD&ĐT, Sở Y tế, phòng GD&ĐT các địa phương để nghe báo cáo công tác chuẩn bị cho HS đi học tập trung. Sau khi nghe ý kiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu quyết định trường học trên địa bàn huyện, thành phố: Vạn Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Cam Ranh tổ chức học trực tiếp từ 18/10.
Khuyến khích huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa cho HS học trực tiếp, tuy nhiên tùy thuộc vào diễn biến dịch, từng xã, phường, thôn, tổ… có kế hoạch bố trí song song vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến. Riêng TP Nha Trang, HS tiếp tục tạm dừng đến trường; HS các cấp THCS, THPT tiếp tục học trực tuyến.
Tại Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: UBND tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch cho HS trở lại trường khi toàn tỉnh hết giãn cách, sau 1/11/2021. Riêng An Giang, theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, do diễn biến dịch bệnh có nhiều yếu tố khó lường nên để bảo đảm an toàn cho giáo viên, HS, địa phương vẫn chưa chốt thời điểm cụ thể để HS quay trở lại trường học trực tiếp. Các phương án/kịch bản tổ chức dạy học đã được ngành Giáo dục xây dựng từ đầu năm, nhưng tinh thần của địa phương là phải thật sự an toàn, HS mới trở lại trường, trở lại trường phải đảm bảo an toàn.
Đặc biệt quan tâm y tế học đường
Công tác y tế học đường vốn quan trọng, nay càng quan trọng khi trường học mở cửa trở lại và dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Chia sẻ chưa bao giờ mong mỏi được đón HS quay lại trường như lúc này, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) đồng thời cho biết quyết tâm của trường thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho HS, GV khi trở lại trường.
Hiện nhà trường có 2 cán bộ y tế cơ hữu đủ để bảo đảm công tác hỗ trợ ban đầu và 1 chuyên gia hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết về chuyên môn y tế. Bên cạnh đó, trường có 1 cán bộ chuyên trách và 1 chuyên gia tâm lý phụ trách phòng Tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, việc theo dõi, giám sát sức khỏe cho HS, nếu yêu cầu là chuyên trách thì 2 người không đủ.
Thầy Nguyễn Quang Tùng cho biết: Nhà trường sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ an toàn Covid-19, đội ngũ nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm công tác y tế trường học về công tác phòng chống dịch, xử lý khi có trường hợp nhiễm Covid-19, cách lấy mẫu xét nghiệm và phối hợp tổ chức hoạt động tiêm chủng tại trường học.
“2 cán bộ y tế của trường đã tập huấn và tham gia công tác hỗ trợ tiêm chủng của quận Nam Từ Liêm trong thời gian qua nên có kinh nghiệm. Nhà trường cũng huy động sự hỗ trợ của hơn 30 phụ huynh HS là bác sĩ giúp đỡ trong giai đoạn này; đồng thời kết nối với 2 bệnh viện gần trường để hỗ trợ khi cần thiết” - thầy Nguyễn Quang Tùng chia sẻ.
Cho rằng, để HS đến trường an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội. Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, huyện, xã, thôn, làng an toàn thì dịch bệnh không có nguy cơ xâm nhập vào nhà trường. Với nhà trường, khó khăn là chưa có nhân viên y tế học đường chuyên trách; chủ yếu là nhân viên hành chính, văn phòng hay giáo viên làm y tế học đường kiêm nhiệm. Giải pháp của trường là tăng cường phối hợp với Trạm Y tế xã để theo dõi sức khoẻ HS, sớm phát hiện để giải quyết trường hợp mắc bệnh hay tai nạn thương tích nếu xảy ra.