Đơn giản hóa thủ tục hành chính tại TPHCM: Khơi thông 'điểm nghẽn'

GD&TĐ - Dù kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của TPHCM đã có những kết quả rõ nét, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ phận 'một cửa', tiếp nhận hồ sơ luôn cố gắng giải quyết tốt nhất thủ tục hành chính. Ảnh: H.N
Bộ phận 'một cửa', tiếp nhận hồ sơ luôn cố gắng giải quyết tốt nhất thủ tục hành chính. Ảnh: H.N

Nguyên nhân chính một phần là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Còn nhiều hạn chế

Năm 2023, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đứng đầu trong các sở, ban, ngành tại TPHCM về chỉ số cải cách hành chính với 96,95 điểm. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đang gặp nhiều “điểm nghẽn” trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban HEPZA cho biết, hiện đang thực hiện 52 TTHC. Thực hiện công tác cải cách hành chính, HEPZA đã đẩy mạnh việc cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ. Đến nay, có 13 thủ tục giải quyết trong ngày (theo quy định những thủ tục này có thời gian giải quyết từ 3 - 7 ngày).

Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện HEPZA cũng gặp nhiều khó khăn do mô hình ban quản lý chưa được quy định ở cấp độ luật và chưa nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước quy định tại Nghị định 24 năm 2014. Do đó, dưới góc độ luật thì hiện nay vị thế pháp lý của Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh còn chưa rõ ràng.

Mặt khác, quy định về khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ ở cấp nghị định, khi có sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành thì ban quản lý phải kiến nghị hoặc xin ủy quyền của các cơ quan chức năng, kể cả cấp sở ngành và cấp quận, huyện.

Vì vậy, HEPZA đề xuất TPHCM kiến nghị Trung ương sớm xây dựng Luật Khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế. Việc xây dựng luật nhằm xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.

“HEPZA cũng kiến nghị UBND TPHCM phân cấp thực hiện nhiệm vụ thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Đồng thời, chuyển thẩm quyền theo dõi, quản lý trong lĩnh vực người lao động nước ngoài thuộc Sở lao động, Thương binh và Xã hội về HEPZA phụ trách”, ông Hưng đề xuất.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND phường Tân Định (Quận 1) thì nhận định, việc cải cách TTHC đem lại nhiều lợi ích tích cực như: Quản lý chặt chẽ lệ phí thu, thống kê giao nhận kiểm soát hồ sơ hàng ngày giữa bộ phận thu và bộ phận tài chính… Đồng thời, việc tìm kiếm dữ liệu hồ sơ được thực hiện một cách nhanh chóng dễ dàng trên hệ thống.

Theo bà Hà, thông qua các ứng dụng nêu trên bước đầu nhận được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và doanh nghiệp trong và ngoài phường, đặc biệt là giới trẻ thành thạo về công nghệ thông tin.

Đặc biệt, cải cách TTHC giúp giảm áp lực cho cán bộ công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, giảm khâu giao nhận hồ sơ giữa các bộ phận, hạn chế sử dụng giấy trong việc thụ lý hồ sơ từ đó giảm kinh phí văn phòng phẩm cho đơn vị.

“Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Người lớn tuổi khó thao tác do không biết sử dụng Internet, không sử dụng điện thoại thông minh và không sử dụng email. Nên còn một số trường hợp ngại nộp tại trang dịch vụ công trực tuyến của TPHCM”, bà Hà thông tin.

Nói thêm về mặt hạn chế, bà Hà cho biết, giao diện phần mềm nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM khó nhìn, khi người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến rất mất thời gian. Ngoài ra, khi phần mềm Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM bị rớt mạng, cán bộ công chức không tiếp nhận và xử lý được hồ sơ.

Tuy nhiên, sau khi cán bộ công chức vào xử lý được thì phần mềm vẫn tính quy trình xử lý hồ sơ liên tục, dẫn đến hồ sơ trễ hạn cho đơn vị thực hiện. Đề nghị hệ thống nên điều chỉnh lại, không tính thời gian xử lý hồ sơ của đơn vị khi những trường hợp tương tự xảy ra.

Đối với việc thanh toán trực tuyến qua Payment trên Hệ thống giải quyết TTHC TPHCM (liên kết với nhiều ngân hàng) nên hay bị lỗi hệ thống, mạng load chậm. Từ đó, người dân thanh toán khó khăn hơn việc quét mã QR VNPAY trực tiếp tại đơn vị.

Thứ nữa, hệ thống giải quyết TTHC TPHCM đường truyền yếu, thường bị quá tải; cơ sở dữ liệu dân cư gần đây hạn chế truy cập khi đạt lượng 10.000 người truy cập bị khóa.

“Trước những khó khăn và hạn chế, UBND phường Tân Định đề xuất TPHCM sớm hoàn thiện hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, khắc phục những lỗi nêu trên. Đồng thời, sớm xây dựng và triển khai việc tiếp nhận thanh toán trực tuyến và trực tiếp qua việc quét mã QR để việc thanh toán của người dân thuận tiện hơn”, bà Hà nhấn mạnh.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ công tác cải cách hành chính và phục vụ người bệnh tại bệnh viện vẫn còn hạn chế.

Lý do, hệ thống công nghệ thông tin nhiều lúc không đảm bảo. Viên chức, người lao động phụ trách một số lĩnh vực tuổi khá cao nên việc tiếp cận phần mềm và các thao tác xử lý nhiều lúc còn lúng túng chưa đảm bảo.

“Do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin vào trong công tác cải cách hành chính; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cần thiết cho các công tác: Khám chữa bệnh từ xa, sinh hoạt khoa học kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện”, ông Tuấn nói.

Cải cách TTHC vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Ảnh: H.N
Cải cách TTHC vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Ảnh: H.N

Yếu tố con người đặc biệt quan trọng

Đánh giá về công tác cải cách hành chính ở nhiều sở, ban, ngành thời gian qua, nguyên lãnh đạo UBND quận Bình Tân (xin giấu tên) chia sẻ, trên thực tế khó khăn lớn nhất trong cải cách hành chính thời gian qua là một số cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức hết mục tiêu, ý nghĩa của công tác cải cách hành chính. Từ đó dẫn đến ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ còn chưa cao. Vẫn còn cán bộ, công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật…

Để tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ người đứng đầu các sở, ngành, địa phương đến sự chung sức, đồng hành, sẻ chia trách nhiệm của tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Trước mắt cần tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.

“Điểm sáng của cải cách hành chính thời gian qua của TPHCM là việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp.

Có thể thấy chương trình định kỳ Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố với phương châm: Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là một điển hình mà các tỉnh, thành khác nên học tập”, cựu cán bộ này nói.

Theo ông Phạm Quang Anh - CEO Công ty may mặc Dony, hoạt động tuyên truyền về cải cách hành chính cần tiếp tục đổi mới với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Trong đó, các sở, ngành cần tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội có nhiều người theo dõi, như Facebook, YouTube, Zalo, TikTok... để giải đáp chính sách, hướng dẫn các quy trình, thủ tục thực hiện TTHC và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, từ đó giúp nâng cao nhận thức, kiến thức cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết công việc.

Đồng thời cần khuyến khích sự nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến hay về cải cách hành chính làm cơ sở áp dụng thí điểm, nhân rộng tại địa phương…

Bài 1: Mạnh tay cắt giảm

Bài 2: Đột phá từ trường học, bệnh viện

“TPHCM cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”. Theo đó, công tác cải cách TTHC cần gắn với chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...